#1
|
|||
|
|||
HÒA GIẢI THÀNH Ở XÃ, PHƯỜNG
Năm 2001 Anh Ch có nhận chuyển nhượng 40m2 đất ở của Ông T, lúc đó ông T chưa có GCNQSDĐ nên 2 bên chỉ làm giấy tay. Ngay sau khi nhận chuyển nhượng, anh Ch đã xây nhà và cư trú tại đó cho tới nay. Tuy nhiên, năm 2005 khi làm thủ tục ông T lại kê khai, đăng ký và năm 2008 được cấp GCNQSDĐ luôn cả phần đất đã chuyển nhượng cho anh Ch nhưng mãi tới năm 2011 anh Ch mới biết và lập tức khiếu nại. Tại UBND Phường hai bên đã thỏa thuận được nội dung ông T đồng ý trả lại cho anh Ch phần đất 40m2, như vậy là hòa giải thành ở Phường. Tưởng sự việc trở nên đơn giản và coi như giải quyết xong, nhưng..... Anh Ch mua hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ điền vào các thông tin cần thiết rồi nộp cho UBND Phường, mặc dù cơ quan này chính là nơi lập biên bản hòa giải thành nhưng cán bộ địa chính kiên quyết không nhận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của anh Ch với lý do việc tách thửa, tách sổ thuộc thẩm quyền của UBND Quận, anh Ch lên Quận thì Phòng TNMT lại trả hồ sơ kêu về Phường, cứ thế, năm lần bảy lượt từ Phường lên Quận rồi từ Quận trở về Phường mà sự việc vẫn dẫm chân tại chổ, anh Ch bèn khiếu nại việc các cơ quan không chịu làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho mình theo biên bản hòa giải thành. Lần 1 Phòng TNMT ra văn bản đề nghị UBND Phường lập hồ sơ ban đầu để gởi về Quận cấp giấy cho anh Ch, nhưng UBND Phường lại có công văn báo cáo rằng việc tách sổ, tách thửa không thuộc thẩm quyền của Phường mà của UBND Quận. Từ đó sự việc rơi vào im lặng, anh Ch tiếp tục gởi đơn khiếu nại thì bị cán bộ tiếp dân kiên quyết không nhận đơn. Đầu năm 2012 ông T mất ! Giữa năm 2012 Phòng TNMT ra tiếp một công văn khác, lần này hướng giải quyết là UBND Phường mời các đồng thừa kế của ông T lên làm thủ tục chia thừa kế và trừ ra phần diện tích của anh Ch. Dở khóc dở cười, anh Ch không hiểu tại sao trường hợp của mình đã hòa giải thành từ lâu mà các Cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cứ đùn đẩy qua lại, kéo dài hơn 2 năm nay, giờ có nguy cơ tiếp tục bị kéo dài bởi nếu các đồng thừa kế của ông T mà không thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế, dẫn tới tranh chấp thì vô tình anh Ch cũng bị vạ lây, phải chờ cho tới khi có bản án có hiệu lực ! Khoản 2 điều 135 Luật đất đai 2003 qui định :"...Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai." Khoản 3 điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP qui định : " 3. Đối với trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gửi biên bản hoà giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất." Luật qui định rất rõ ràng, dễ hiểu, chỉ cần UBND Phường gởi biên bản hòa giải tới Phòng TNMT quận để cơ quan này trình UBND Quận ra Quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất của ông T ( do phải trả lại 40m2 cho anh Ch ) và cấp mới GCNQSDĐ cho anh Ch. Không hiểu tại sao các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy cứ cố tình làm khó người dân ! |
#2
|
|||
|
|||
Theo qui định của Pháp luật tại điều 6 Luật thi hành án dân sự và điều 3 Nghị định 58/2009/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật thi hành án dân sự thì các bên có quyền tự thỏa thuận thi hành án mà không cần yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành cho mình Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực của Tòa án. Nội dung tự thỏa thuận thi hành án phải được lập thành Văn bản và có XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ. Việc tự thỏa thuận thi hành án này ngoài cái lợi về thời gian được nhanh chóng còn có cái lợi rất quan trọng là không phải tốn chi phí cho việc thi hành án nếu phải yêu cầu Cơ quan thi hành án thực hiện. ( phí thi hành án bằng 3% trên giá trị tài sản được thi hành, ví dụ bản án có hiệu lực tuyên ông A phải trả cho ông B số tiền 3 tỷ đồng, nếu hai bên tự thỏa thuận thi hành án thì không phải tốn phí, ngược bằng phải nhờ Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì phải chịu phí là 3 tỷ x 3% = 90 triệu ! ). Tuy nhiên, trên thực tế muốn UBND Xã xác nhận vào Văn bản thỏa thuận thi hành án là chuyện không dễ, hầu hết đều bị từ chối xác nhận, UBND Xã kiên trì bám giữ quan điểm rằng đương sự phải yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự Huyện tổ chức thi hành án, dù đương sự có đưa hẳn Luật ra để chứng minh và dù Luật qui định rất rõ ràng, dễ hiểu nhưng vẫn không lay chuyển được. Vậy là, muốn được hưởng lợi từ việc không phải chịu phí thi hành án, đương sự không còn cách nào khác là phải khởi kiện án hành chính đối với hành vi từ chối xác nhận của UBND Xã ! Rõ ràng chỉ vì trình độ hạn chế của Cán bộ UBND Xã hoặc vì động cơ gì đó mà UBND Xã đã góp phần làm cho việc khiếu kiện của người dân ngày càng tăng về số lượng. Hình như giải quyết chuyện gì cũng phải khó khăn, phức tạp đã ăn sâu vào suy nghĩ của Cán bộ, cho nên khi thấy sự việc được giải quyết quá đơn giản dù theo Luật định cũng khiến họ nghi ngờ, không dám. |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 07:40 PM |