PDA

View Full Version : Người đàn bà vá áo – Chử Thu Hằng


99daila9
31-07-2013, 03:01 PM
NGƯỜI ĐÀN BÀ VÁ ÁO

Chạng vạng.
Chị ngồi vá áo
Lựa mụn vải điệp màu
Đắp vết rạn thời gian.

Cuộn chỉ rút trơ lõi giấy
Hẫng hụt sợi buồn...
Vò võ sợi đau...
Vá víu.

Mũi chỉ mong manh.
Đường kim khắc khoải.
Sứt sẹo bậc thềm
Nắng quái.

Dòng đời duềnh qua cửa.
Chân chim đuôi mắt ngấn thời gian.
Ngón tay gầy mơn man
Manh áo cũ
Nét buồn ngày cũ.
Mái rêu phong
Đổ bóng mảnh sân rêu.
Tóc hoa râm
Lặng cúi vào chiều...
(Chử Thu Hằng)

Những bài thơ viết về cuộc đời, số phận người phụ nữ thường đớn đau, bi kịch. Phải chăng người ta đã sinh ra là kiếp đàn bà thì phải chịu vậy thôi? “Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?”. Câu hỏi đau đáu của cụ Tiên Điền khi xưa có lẽ chẳng bao giờ có được một câu trả lời trọn vẹn. Đọc “Người đàn bà vá áo”, lại thấy một nỗi buồn thầm lặng cứ thăm thẳm, mênh mông. Không thét gào, không oán thán, không lo sợ hãi hùng, không biết bi kịch cụ thể là gì, chỉ thấy một cuộc đời trầm buồn, mất mát, một số phận mong manh.

Người đàn bà xuất hiện trong chiều chạng vạng, làm một công việc rất bình thường của một phụ nữ trong gia đình: vá áo. Tưởng như chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng để ý một chút, sẽ thấy những hình ảnh thơ đang thì thầm một thứ ngôn ngữ riêng:

Chạng vạng.
Chị ngồi vá áo
Lựa mụn vải điệp màu
Đắp vết rạn thời gian.

Cuộn chỉ rút trơ lõi giấy
Hẫng hụt sợi buồn...
Vò võ sợi đau...
Vá víu.

Tại sao không phải là “hoàng hôn” mà lại là “chạng vạng”? Trong nhận thức cảm tính thông thường, thì hoàng hôn thường gợi vẻ đẹp êm đềm của thời khắc cuối ngày. Nhưng từ “chạng vạng” lại khác, nó cũng là thời khắc ấy, nhưng lại khắc tả rõ nét hơn cái cảnh tranh tối tranh sáng mà ở đó bóng tối đang lan ra rất nhanh, vì thế, nó còn gợi sự hoang lạnh với nhiều dự cảm không an lành. Trong bóng chiều thẫm tối đang loang ra ấy, hình ảnh người đàn bà nổi bật lên như một nét vẽ đậm. Không hiểu sao, tôi cứ hình dung ra một dáng ngồi cúi xuống, lặng lẽ và cam chịu, dường như đang rất chăm chú vào công việc của mình:

Chị ngồi vá áo
Lựa mụn vải điệp màu
Đắp vết rạn thời gian.

Tấm áo, sau bao năm tháng chở che làm đẹp cho cơ thể hình hài, giờ đây đã rách và đang được chị “lựa” một miếng vải nhỏ (mụn vải) cùng màu hoặc gần màu với tấm áo (điệp màu) để vá lại cho lành. Nhưng câu thơ “Đắp vết rạn thời gian” đã không chỉ miêu tả việc vá áo mà còn chứa đầy trong đó những nỗi đau rất sâu. Vết rách của tấm áo đã trở thành “vết rạn thời gian”. Ừ thì qua thời gian sử dụng, tấm áo có thể rách. Đó là nghĩa thực. Nhưng từ “vết rạn” lại khiến ta nghĩ đến sự rạn nứt của cái gì đó lớn lao và ý nghĩa hơn nhiều. Phải chăng đó là Hạnh Phúc? Hay đó là Lòng Tin? Thời gian trôi qua, điều gì đã không còn nguyên vẹn? Ở đây không phải là sự sứt mẻ, mà là “vết rạn” tiềm ẩn nguy cơ tan vỡ. “Mụn vá” bé nhỏ nào có thể “điệp màu” để vá lành tấm áo Hạnh Phúc và Tin Yêu? Điều đáng nói nữa là “mụn vải” thì bé nhỏ, không vá được, nên phải cố gắng “đắp” vào như một sự che đậy. Và vá đắp sao đây khi cuộn chỉ đã “trơ lõi giấy”, chỉ còn “sợi buồn”, “sợi đau” rút ruột rút gan! Hai câu thơ đối xứng: “Hẫng hụt sợi buồn – Vò võ sợi đau” đã tạo nên một sợi chỉ chập đôi, và 2 từ láy chỉ trạng thái “hẫng hụt”, “vò võ” đã thắt nút sợi chỉ ấy trong nỗi Cô Đơn. Để rồi ta thấy cái cách “vá víu” ấy sao mà bất lực, vì đến lúc này người đàn bà ấy mới nhận ra vết rạn quá dài, một mụn vải không làm sao vá nổi! Thế nên đường kim mũi chỉ đang cố khâu liền lại chỗ rách kia sao như run rẩy, bàng hoàng?

Mũi chỉ mong manh.
Đường kim khắc khoải.
Sứt sẹo bậc thềm
Nắng quái.

“Mũi chỉ mong manh” như hạnh phúc, “đường kim khắc khoải” như đường đời, tất cả đều gợi sự trắc trở và ẩn giấu nhiều tâm tư sâu kín. Dường như đôi mắt người đàn bà vá áo có lúc thật lơ đãng, từ chỗ nhìn vào vết rách, nhìn đường kim khâu, rồi ngơ ngẩn trước hiên nhà:

Sứt sẹo bậc thềm
Nắng quái.

Đây là câu thơ đầy ẩn ý. Có một bậc thềm cũ đã được trám vá chỗ vỡ chỗ mẻ (sứt sẹo) trong ánh nắng chiều tàn! Nhưng không hiểu sao tôi cứ hình dung ra người đàn ông của cuộc đời người phụ nữ vá áo ấy, có lẽ không đủ tinh tế và khéo léo để biết cách xoa dịu những nỗi niềm quá nhạy cảm của vợ mình. Tôi nghĩ đến câu ca dao “Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. “Nắng quái” thì chói và gắt, nhưng ngắn ngủi. Không phải chiều nào cũng có nắng quái mà chỉ những chiều có những điều kiện nhất định về khí tượng như mây, gió, độ ẩm, không khí… thì mới có nắng quái. Những điều kiện khí tượng đó biến đổi khá nhanh, nên nắng quái không tồn tại được lâu. Hình ảnh “nắng quái” trong câu thơ này gợi suy nghĩ về tình cảm của người chồng phải chăng cũng chỉ gay gắt, cuồng nhiệt như nắng quái chiều hôm vậy, rồi lịm tắt ngay? Anh đã đang bên kia cái dốc của cuộc đời, có yêu thương thế nào chăng nữa cũng không hơn một tia nắng quái của buổi chiều tà? Còn người đàn bà, phải chăng sở hữu một “cõi riêng” đầy nắng chói cả đời, đến chặng cuối cùng của cuộc hành trình vẫn chịu cái “nắng quái” gắt gao, và cõi ấy đang mong đợi một cơn mưa làm dịu lại miền hoang mạc? Cả đoạn thơ với những câu ngắn dài xen nhau khác nào mũi chỉ không đều, cứ nhoi nhói như có kim đâm âm thầm nhức nhối…

Ngồi trên bậc thềm sứt sẹo, đăm đắm nhìn “vết rạn thời gian” để cố vá víu lại tấm áo ngày xưa, người phụ nữ hiện lên thật bé nhỏ cô đơn giữa dòng đời:

“Dòng đời duềnh qua cửa”

Tựa như có những đợt sóng cuộn lên, trào qua vậy! Ranh giới giữa trong cửa và ngoài cửa rất mong manh. Người đàn bà đang chênh vênh ở chính cái ranh giới ấy, nên có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào! Bỗng thấy xót xa đến nghẹt thở, khi cái từ “duềnh” kia như ngọn sóng dềnh lên, dập xuống, cuồn cuộn xoáy qua một cuộc đời…

Nửa đầu bài thơ là sự khắc họa tâm tư người đàn bà vá áo qua cách ngồi lặng lẽ với từng đường kim mũi chỉ. Còn nửa cuối bài thơ, những nét vẽ cụ thể về chân dung chị mới dần dần hiện. Đó là đôi mắt, bàn tay và mái đầu:

Chân chim đuôi mắt ngấn thời gian.
Ngón tay gầy mơn man
Manh áo cũ
Nét buồn ngày cũ.
Mái rêu phong
Đổ bóng mảnh sân rêu.
Tóc hoa râm
Lặng cúi vào chiều...

Đôi mắt được đặc tả ở phần đuôi mắt với chi tiết “chân chim – ngấn thời gian”, đủ để tạo nên một đôi mắt luống tuổi nhiều trải nghiệm và chất chứa nỗi buồn. Cụm từ “ngấn thời gian” còn hoen mờ ngấn lệ trên mi. Còn bàn tay lại được khắc họa ở “ngón gầy” và động tác “mơn man manh áo cũ”. Có nỗi mòn mỏi trong hình ảnh “ngón gầy” khi cả đời có lẽ chỉ toàn là hao hụt! Động tác “mơn man” sao cứ bần thần ngác ngơ trong sự kiếm tìm quá vãng từ manh áo năm xưa. Có tìm được chút gì không, khi trước mắt vẫn là “Manh áo cũ – Nét buồn ngày cũ”? Vẫn nguyên vẹn nỗi buồn muôn thuở ẩn mình trong từng sợi vải mong manh. Chạng vạng rồi. Nắng tắt, ngày tàn. Mái xưa cổ kính rêu phong đổ bóng đầy sân như trùm phủ bóng tối lên cả cuộc đời. Không thể vá víu đắp đầy “vết rạn thời gian” bằng những “sợi buồn, sợi đau” và “mụn vải điệp màu” được nữa! Mái tóc hoa râm nghiêng bóng một chiều, lặng cúi vào mênh mang. Âm thầm với những niềm đau, tóc mây sương khói chìm sâu vào chiều. Hai từ “lặng cúi” cuối bài thơ sao nghẹn lòng đến thế! Và khi dấu chấm lửng kết thúc bài thơ, thì cũng là lúc từng giọt lệ lặng lẽ rơi rơi trong chạng vạng chiều…

Người đàn bà vá áo hay đang cố vá lại đời mình? Vá lại niềm riêng trăn trở, vá lại những ngày xưa? Vá lại cả tâm hồn đang rạn vỡ? Nỗi buồn và sự cam chịu âm thầm làm cả bài thơ nhói lên nỗi xót xa khôn cùng.

“Người đàn bà vá áo” – Chỉ là một hình ảnh rất bình dị của đời thường, nhưng nhà thơ Chử Thu Hằng đã tạo nên một bài thơ đầy ám ảnh. Cũng bởi chị có một sự đồng cảm sâu sắc với những thân phận bất hạnh, như chính chị từng viết trong bài “Nói với em”: “Phận đàn bà lắm đa đoan – Chuyện người lại cứ đeo mang vào mình”. Ngẫm đi nghĩ lại, thấy cái “đeo mang” ấy mới cảm động và đáng trân quý biết bao!

Thơ Chử Thu Hằng

Thơ Tình (http://tronniemvui.net/Tron-Niem-Vui/Tho-Tinh-2573584.html)

Tin tức giải trí tổng hợp (http://tronniemvui.net/)