PDA

View Full Version : Vụ "Nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng": Bản án thiếu tính xác thực


vungtau
20-03-2013, 10:57 AM
(TN&MT) Qua 5 lần xét xử, TAND các cấp vẫn tuyên ông Trương Văn Chiến trả nhà cho bà Trần Thị Bích Ngọc. Trong khi, Viện KSND TP. Đà Nẵng và Viện KSND Tối cao vẫn giữ quan điểm, ông Chiến là người mua nhà hợp pháp và nêu ra những sai trái trong luật tố tụng của các phiên tòa. Về việc này, TAND Tối cao vừa có Quyết định Giám đốc thẩm lần 2 vụ kiện "Tranh chấp tài sản chung" tại số 77, đường Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng. Trước đó, vụ án cũng đã trải qua 5 lần xét xử và Viện KSND Tối cao đã 2 lần kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm nhưng đến nay chưa có hồi kết.
Mẹ kiện con, người mua chịu thiệt

"TAND các cấp giải quyết 5 lần, 7 lượt không thỏa đáng, kết quả người mua nhà hợp pháp… mất nhà" - ông Trương Văn Chiến (người được chính quyền thừa nhận mua nhà hợp pháp - PV), đã có đơn cầu cứu khẩn cấp tới Báo TN&MT mong được can thiệp.

Lật lại hồ sơ vụ án, ngày 10/9/2007, các ông Trương Văn Chiến, Nguyễn Hữu Vành và Nguyễn Hữu Đấu cùng chung tiền mua nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ (người đứng tên chủ sở hữu nhà 77 Lê Đình Lý, do chính quyền Q. Thanh Khê cấp sổ đỏ) với giá 2,9 tỉ đồng và được Phòng Công chứng số 3 chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến ngày 3/11/2007, ông Vành và ông Đấu chuyển nhượng phần đất của họ cho ông Chiến. Sau một thời gian, bà Trần Thị Bích Ngọc, Việt kiều Mỹ, mẹ của bà Mỹ, phát đơn kiện gửi TAND Q. Thanh Khê. Bà Ngọc cho rằng, nhà đất ở 77 Lê Đình Lý thuộc sở hữu chung của bà và bà Mỹ.

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Ngọc không đưa ra được chứng cứ, giấy tờ nào chứng minh đó là ngôi nhà chung. Trong khi đó, bà Mỹ đã đưa ra các chứng cứ, giấy tờ khẳng định bà Ngọc chỉ cho bà mượn tiền. Tại giấy thỏa thuận công nợ ngày 15/6/2005, cũng thể hiện rõ bà Ngọc cho bà Mỹ mượn 350 triệu đồng để mua miếng đất 77 Lê Đình Lý với giá 1,1 tỉ đồng. Sau đó, bà Ngọc tiếp tục cho bà Mỹ mượn thêm 1,45 tỉ đồng để xây dựng ngôi nhà này.

Giấy thỏa thuận còn ghi rõ sau khi bán được nhà, bà Mỹ phải trả cho ngân hàng 1 tỉ đồng thay cho bà Ngọc và trả cho bà Ngọc 800 triệu đồng tiền mượn mua đất, xây nhà. Số tiền còn lại sau khi bán nhà hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của bà Mỹ.

Tại các văn bản kháng nghị, Viện KSND TP. Đà Nẵng và Viện KSND Tối cao đều khẳng định: "Quan hệ giữa bà Ngọc và bà Mỹ là quan hệ vay mượn chứ không phải chung nhau mua đất xây nhà". Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 15/9/2008, TAND TP. Đà Nẵng lại kết luận: Ngôi nhà này là tài sản chung của bà Mỹ và bà Ngọc rồi quyết định hủy các hợp đồng mua bán giữa ông Chiến và bà Mỹ, đồng thời giao nhà lại cho bà Ngọc quản lý.

Bản án thiếu tính xác thực

Quá bất bình với bản án phúc thẩm số 46/2008/DSPT ngày 15/9/2008 của TAND TP. Đà Nẵng, ông Chiến đã có đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm. Ngày 12/3/2009, Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm 46/2008/DSPT theo thủ tục Giám đốc thẩm. Ngày 27/5/2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm. Theo đó, tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm 46/2008/DSPT của TAND TP. Đà Nẵng, giao hồ sơ cho TAND TP. Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại.

Ngày 4/9/2009, phiên tòa xét xử phúc thẩm lại tiếp tục, sau khi nghị án, tòa lại tiếp tục tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Chiến và bà Mỹ. Không đồng ý với phán quyết của tòa, ông Chiến lại gửi đơn đến các cơ quan thẩm quyền Trung ương nhờ can thiệp. Ngày 4/2/2010, Viện KSND Tối cao tiếp tục ra quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 56/2009/DSPT ngày 4/9/2009 của TAND TP. Đà Nẵng.

Mặc dù những chứng cứ đã rõ ràng và xác thực, nhưng gần đây, TAND Tối cao lại ra Quyết định Giám đốc thẩm số 244/DS/GDT, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 56/2009 của TAND TP. Đà Nẵng. TAND Tối cao cho rằng, kháng nghị của Viện KSND Tối cao là không cần thiết ? Trong khi gia đình ông Chiến phải "gánh" phần lãi ngân hàng cho ngôi nhà này tại ngân hàng Phương Đông (gần 3 tỷ đồng tính đến thời điểm này).

Như vậy, vụ án này đã kéo dài gần 5 năm, qua 5 lần xét xử, TAND các cấp vẫn tuyên "người mua nhà hợp pháp… mất nhà". Bất bình với các quyết định của TAND các cấp, ông Trương Văn Chiến tiếp tục cầu cứu đến các cơ quan Trung ương nhờ can thiệp. Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu xem xét lại vụ tranh chấp tại ngôi nhà 77 Lê Đình Lý.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: "Trong vụ án này, cả 5 phiên tòa đã nhầm lẫn giữa việc "kiện đòi tiền" (thực tế, ban đầu bà Ngọc chỉ kiện đòi tiền bà Mỹ), nên dẫn đến việc tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 77 Lê Đình Lý giữa bà Mỹ và ông Chiến. Vì không tôn trọng các chứng cứ có tại hồ sơ nên tất cả các phiên tòa đã lập luận và tuyên án trái với quy định của pháp luật".

Cũng theo luật sư Biên, nội dung bản án tuyên rất khó thi hành, bởi lẽ ông Chiến mua nhà hợp pháp trị giá 2,9 tỷ đồng (tương đương 230 lượng vàng vào năm 2007) nhưng tòa lại tuyên buộc ông Chiến ra khỏi nhà bằng một phần đơn phương của quyết định bản án. Trong đó, ai là người trả lại vàng cho ông Chiến lại không có. Người bán nhà cho ông Chiến lại tuyên bố trước tòa không thể thi hành án vì gia đình bà Mỹ không có tài sản để thi hành án. Điều này càng cho thấy bản án thiếu tính xác thực, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn và những người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này !

Vụ "Nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng": Bản án thiếu tính xác thực ; Website Bao Tai nguyen & Moi truong (http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/phap-luat/vu-nha-77-le-111inh-ly-tp-111a-nang-ban-an-thieu-tinh-xac-thuc/)

bavico
20-03-2013, 10:57 AM
Kể cả trong trường hợp Bà Ngọc đúng là đồng chủ sỡ hữu căn nhà 77 Lê Đình Lý với bà Mỹ nhưng cơ quan có thẩm quyền lại chỉ cấp giấy chủ quyền cho mỗi mình bà Mỹ, để rồi sau đó bà Mỹ bán nhà cho ông Chiến một cách hợp pháp thì bây giờ dù giấy chủ quyền của bà Mỹ có bị thu hồi, hủy bỏ thì ông Chiến vẫn là người thứ ba ngay tình, phải được Pháp luật bảo vệ theo qui định tại điều 138 và 258 Bộ luật dân sự 2005.

Theo cảm nhận của tôi, vụ án này tuy mẹ kiện con nhưng chưa chắc 2 mẹ con Bích Ngọc - Phú Mỹ đã là "kẻ thù", rất có khả năng họ là 2 diễn viên xuất sắc trong 1 vở kịch do một "đạo diễn có nghề" dàn dựng nên để nhiều người có lợi, chỉ riêng ông Chiến - người thứ 3 chiếm hữu ngay tình - là bị thiệt thòi nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Rồi đây, tha hồ cho ông Chiến kiện cáo đòi bà Mỹ phải trả lại 2,9 tỷ tiền ông mua nhà, cho dù ông thắng kiện thì cũng như thua khi bà Mỹ không có tài sản gì để thi hành án. Trong khi đó ở bên trong, "đạo diễn" và "diễn viên" hả hê với số tiền "cát xê" là căn nhà 77 Lê Đình Lý giờ tính theo vàng trị giá trên 8 tỷ bạc !

Vở kịch này, nếu ai từng trải trong tố tụng dân sự thì đều có biết.

coso_ngocthach
20-03-2013, 10:57 AM
Thiệt là Tòa án Việt Nam. Án dân sự xử sao cũng được, trường hợp trên có lẽ giống trường hợp tôi đã gặp. Vì là Việt Kiều trước đây không được quyền đứng tên mua nhà đất, nên số đông nhờ người nhà ở Việt Nam đứng tên dùm và để ngăn chặn người nhà bán chỉ có cách làm giấy cho vay tiền. Có lẽ trường hợp hai mẹ con bà Mỹ cũng đã thoả thuận như vậy.

Bao nhiêu Việt kiều đã bị mất tiền cũng vì tin người nhà. Nhưng trường hợp này Toà án lại xử cho bà Ngọc là Việt kiều thắng kiện với chứng cứ là giấy vay tiền giữa bà và con gái bà và không bảo vệ quyền lợi của người thứ ba có giấy tờ sang nhượng hợp pháp trong việc kiện này là ông Chiến.

Có lẽ đây cũng là vở kịch được dàn dựng sẵn như Admin TranVoThienThu đã nói trên.

jgcvnr
20-03-2013, 10:57 AM
Đọc qua vụ án, tôi thấy tòa án quá vô lý, không công minh chút nào, người ta mua nhà được công chứng chứng thực, pháp luật nhà nước công nhận sang tên trước bạ, ông Chiến cũng đã cầm sổ tại Ngân hàng, người bán cũng đã có giấy thỏa thuận công nợ giữa 2 mẹ con, bà mẹ cũng đã làm đơn kiện đòi tiền và tòa đã thụ lý, bỗng nhiên chuyển hướng qua đòi tài sản chung. Có lẽ đây là một vở kịch dựng lên để lấy lại nhà bằng một sự tính toán hoàn hảo như Admin TranVoThienThu đã nói, ông Chiến phải giao nhà cho bà Ngọc, còn bà Mỹ thì tuyên bố không có tài sản và tiền để trả cho ông Chiến. Như vậy bà Ngọc chiếm nhà của ông Chiến quá rẻ, chỉ tốn 1 tỷ 4 cộng thêm số tiền lót đường kiện thưa là đã có nhà 7 tầng. Đúng là quá vô lý! Chắc có lẽ ông Chiến phải bắt thang lên thiên đình cầu xin trời phật độ trì vong linh Ông Bao Công nhập vào ai đó để cứu xét nếu không là mất nhà chắc. Kinh khủng thật, mua nhà như vậy mà cũng bị kiện hoàn nhà, vậy ai dám mua nhà nữa, mọi người hãy cẩn thận qua vụ án này. ^:)^

hoabinh
20-03-2013, 10:57 AM
Trường hợp nhà 77 lđlý tòa xử như thế quá sai. Nếu như tôi mua nhà giá trị 2 tỷ nhưng biến động thị trường bất động sản như những tháng cuối năm 2010 giá lên vùn vụt từ 2 tỷ lên 7 tỷ, chỉ cần người bán âm mưu kéo theo anh em cha mẹ viết giấy thỏa thuận (không cần công chứng), rồi anh em cha mẹ tự làm chứng đòi lại tài sản chung với người bán rồi dùng tiền lót đường cho ai đó, và ra tòa xử trả lại nhà, vô lý quá. Gặp tôi, tôi ăn thua đủ, không cần ra tòa vì “lương thu nhập thêm của mấy ông … tiêu cực là ở chỗ này"

cholonco
20-03-2013, 10:57 AM
@ huutho : trước tiên em hãy giải thích cơ sở để em khẳng định Tòa có những phán quyết sau :
1.Buộc bà Mỹ trả tiền cho ông Chiến 4 tỷ 7 (tròn số).
2.Buộc bà Ngọc trả cho bà Mỹ 1 tỷ 4 (tròn số).
Nếu em chỉ giả định thì nên đính chính lại chứ anh không tìm thấy các dữ liệu này trong chủ đề. Trân trọng.