PDA

View Full Version : Thảo luận về việc tranh chấp Nhà và Đất


thietchuong
20-03-2013, 10:49 AM
(TN&MT) Qua 5 lần xét xử, TAND các cấp vẫn tuyên ông Trương Văn Chiến trả nhà cho bà Trần Thị Bích Ngọc. Trong khi, Viện KSND TP. Đà Nẵng và Viện KSND Tối cao vẫn giữ quan điểm, ông Chiến là người mua nhà hợp pháp và nêu ra những sai trái trong luật tố tụng của các phiên tòa. Về việc này, TAND Tối cao vừa có Quyết định Giám đốc thẩm lần 2 vụ kiện "Tranh chấp tài sản chung" tại số 77, đường Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng. Trước đó, vụ án cũng đã trải qua 5 lần xét xử và Viện KSND Tối cao đã 2 lần kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm nhưng đến nay chưa có hồi kết.
Mẹ kiện con, người mua chịu thiệt

"TAND các cấp giải quyết 5 lần, 7 lượt không thỏa đáng, kết quả người mua nhà hợp pháp… mất nhà" - ông Trương Văn Chiến (người được chính quyền thừa nhận mua nhà hợp pháp - PV), đã có đơn cầu cứu khẩn cấp tới Báo TN&MT mong được can thiệp.

Lật lại hồ sơ vụ án, ngày 10/9/2007, các ông Trương Văn Chiến, Nguyễn Hữu Vành và Nguyễn Hữu Đấu cùng chung tiền mua nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ (người đứng tên chủ sở hữu nhà 77 Lê Đình Lý, do chính quyền Q. Thanh Khê cấp sổ đỏ) với giá 2,9 tỉ đồng và được Phòng Công chứng số 3 chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến ngày 3/11/2007, ông Vành và ông Đấu chuyển nhượng phần đất của họ cho ông Chiến. Sau một thời gian, bà Trần Thị Bích Ngọc, Việt kiều Mỹ, mẹ của bà Mỹ, phát đơn kiện gửi TAND Q. Thanh Khê. Bà Ngọc cho rằng, nhà đất ở 77 Lê Đình Lý thuộc sở hữu chung của bà và bà Mỹ.

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Ngọc không đưa ra được chứng cứ, giấy tờ nào chứng minh đó là ngôi nhà chung. Trong khi đó, bà Mỹ đã đưa ra các chứng cứ, giấy tờ khẳng định bà Ngọc chỉ cho bà mượn tiền. Tại giấy thỏa thuận công nợ ngày 15/6/2005, cũng thể hiện rõ bà Ngọc cho bà Mỹ mượn 350 triệu đồng để mua miếng đất 77 Lê Đình Lý với giá 1,1 tỉ đồng. Sau đó, bà Ngọc tiếp tục cho bà Mỹ mượn thêm 1,45 tỉ đồng để xây dựng ngôi nhà này.

Giấy thỏa thuận còn ghi rõ sau khi bán được nhà, bà Mỹ phải trả cho ngân hàng 1 tỉ đồng thay cho bà Ngọc và trả cho bà Ngọc 800 triệu đồng tiền mượn mua đất, xây nhà. Số tiền còn lại sau khi bán nhà hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của bà Mỹ.

Tại các văn bản kháng nghị, Viện KSND TP. Đà Nẵng và Viện KSND Tối cao đều khẳng định: "Quan hệ giữa bà Ngọc và bà Mỹ là quan hệ vay mượn chứ không phải chung nhau mua đất xây nhà". Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 15/9/2008, TAND TP. Đà Nẵng lại kết luận: Ngôi nhà này là tài sản chung của bà Mỹ và bà Ngọc rồi quyết định hủy các hợp đồng mua bán giữa ông Chiến và bà Mỹ, đồng thời giao nhà lại cho bà Ngọc quản lý.

Bản án thiếu tính xác thực

Quá bất bình với bản án phúc thẩm số 46/2008/DSPT ngày 15/9/2008 của TAND TP. Đà Nẵng, ông Chiến đã có đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm. Ngày 12/3/2009, Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm 46/2008/DSPT theo thủ tục Giám đốc thẩm. Ngày 27/5/2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm. Theo đó, tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm 46/2008/DSPT của TAND TP. Đà Nẵng, giao hồ sơ cho TAND TP. Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại.

Ngày 4/9/2009, phiên tòa xét xử phúc thẩm lại tiếp tục, sau khi nghị án, tòa lại tiếp tục tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Chiến và bà Mỹ. Không đồng ý với phán quyết của tòa, ông Chiến lại gửi đơn đến các cơ quan thẩm quyền Trung ương nhờ can thiệp. Ngày 4/2/2010, Viện KSND Tối cao tiếp tục ra quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 56/2009/DSPT ngày 4/9/2009 của TAND TP. Đà Nẵng.

Mặc dù những chứng cứ đã rõ ràng và xác thực, nhưng gần đây, TAND Tối cao lại ra Quyết định Giám đốc thẩm số 244/DS/GDT, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 56/2009 của TAND TP. Đà Nẵng. TAND Tối cao cho rằng, kháng nghị của Viện KSND Tối cao là không cần thiết ? Trong khi gia đình ông Chiến phải "gánh" phần lãi ngân hàng cho ngôi nhà này tại ngân hàng Phương Đông (gần 3 tỷ đồng tính đến thời điểm này).

Như vậy, vụ án này đã kéo dài gần 5 năm, qua 5 lần xét xử, TAND các cấp vẫn tuyên "người mua nhà hợp pháp… mất nhà". Bất bình với các quyết định của TAND các cấp, ông Trương Văn Chiến tiếp tục cầu cứu đến các cơ quan Trung ương nhờ can thiệp. Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu xem xét lại vụ tranh chấp tại ngôi nhà 77 Lê Đình Lý.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: "Trong vụ án này, cả 5 phiên tòa đã nhầm lẫn giữa việc "kiện đòi tiền" (thực tế, ban đầu bà Ngọc chỉ kiện đòi tiền bà Mỹ), nên dẫn đến việc tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 77 Lê Đình Lý giữa bà Mỹ và ông Chiến. Vì không tôn trọng các chứng cứ có tại hồ sơ nên tất cả các phiên tòa đã lập luận và tuyên án trái với quy định của pháp luật".

Cũng theo luật sư Biên, nội dung bản án tuyên rất khó thi hành, bởi lẽ ông Chiến mua nhà hợp pháp trị giá 2,9 tỷ đồng (tương đương 230 lượng vàng vào năm 2007) nhưng tòa lại tuyên buộc ông Chiến ra khỏi nhà bằng một phần đơn phương của quyết định bản án. Trong đó, ai là người trả lại vàng cho ông Chiến lại không có. Người bán nhà cho ông Chiến lại tuyên bố trước tòa không thể thi hành án vì gia đình bà Mỹ không có tài sản để thi hành án. Điều này càng cho thấy bản án thiếu tính xác thực, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn và những người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này !

Vụ "Nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng": Bản án thiếu tính xác thực ; Website Bao Tai nguyen & Moi truong (http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/phap-luat/vu-nha-77-le-111inh-ly-tp-111a-nang-ban-an-thieu-tinh-xac-thuc/)

minhkhago
20-03-2013, 10:49 AM
Thiệt là Tòa án Việt Nam. Án dân sự xử sao cũng được, trường hợp trên có lẽ giống trường hợp tôi đã gặp. Vì là Việt Kiều trước đây không được quyền đứng tên mua nhà đất, nên số đông nhờ người nhà ở Việt Nam đứng tên dùm và để ngăn chặn người nhà bán chỉ có cách làm giấy cho vay tiền. Có lẽ trường hợp hai mẹ con bà Mỹ cũng đã thoả thuận như vậy.

Bao nhiêu Việt kiều đã bị mất tiền cũng vì tin người nhà. Nhưng trường hợp này Toà án lại xử cho bà Ngọc là Việt kiều thắng kiện với chứng cứ là giấy vay tiền giữa bà và con gái bà và không bảo vệ quyền lợi của người thứ ba có giấy tờ sang nhượng hợp pháp trong việc kiện này là ông Chiến.

Có lẽ đây cũng là vở kịch được dàn dựng sẵn như Admin TranVoThienThu đã nói trên.

amytlai
20-03-2013, 10:49 AM
Đọc qua vụ án, tôi thấy tòa án quá vô lý, không công minh chút nào, người ta mua nhà được công chứng chứng thực, pháp luật nhà nước công nhận sang tên trước bạ, ông Chiến cũng đã cầm sổ tại Ngân hàng, người bán cũng đã có giấy thỏa thuận công nợ giữa 2 mẹ con, bà mẹ cũng đã làm đơn kiện đòi tiền và tòa đã thụ lý, bỗng nhiên chuyển hướng qua đòi tài sản chung. Có lẽ đây là một vở kịch dựng lên để lấy lại nhà bằng một sự tính toán hoàn hảo như Admin TranVoThienThu đã nói, ông Chiến phải giao nhà cho bà Ngọc, còn bà Mỹ thì tuyên bố không có tài sản và tiền để trả cho ông Chiến. Như vậy bà Ngọc chiếm nhà của ông Chiến quá rẻ, chỉ tốn 1 tỷ 4 cộng thêm số tiền lót đường kiện thưa là đã có nhà 7 tầng. Đúng là quá vô lý! Chắc có lẽ ông Chiến phải bắt thang lên thiên đình cầu xin trời phật độ trì vong linh Ông Bao Công nhập vào ai đó để cứu xét nếu không là mất nhà chắc. Kinh khủng thật, mua nhà như vậy mà cũng bị kiện hoàn nhà, vậy ai dám mua nhà nữa, mọi người hãy cẩn thận qua vụ án này. ^:)^

evgueni
20-03-2013, 10:49 AM
Vụ án theo kiểu này thì còn đâu là công lý và pháp luật, kẻ mua người bán ngay tình đã được pháp luật công nhận, đòi tiền là chuyện riêng tư gia đình phải tự giải quyết lấy. Vụ án này Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải quan tâm thật sát không khéo người oan sai, bị hại bức xúc đốt nhà tự thiêu hoặc làm liều gì đó thì Việt nam lại thêm một tai tiếng nữa, thanh tra ngành tòa án việt nam ta cần xem lại những phần tử “con sâu làm rầu nồi canh”, vì một tư lợi gì đó bán rẻ đi công lý đạo đức của con người, những phần tử này sẽ làm người dân mất hết tin tưởng vào luật pháp VN đấy.

phuochiep_corporation
20-03-2013, 10:49 AM
Không thể mất nhà được đâu ông chiến, nhà ông mua đã được nhà nước, chính quyền công nhận, trong cái rủi ông lại rất may đã gặp được những người đại diện cho pháp luật công lý tối cao bảo vệ cái đúng của ông và cái sai của tòa, khuyên ông hãy tiếp tục làm đơn kêu oan đến VKSTC-TANDTC- văn phòng chính phủ- văn phòng quốc hội, họ sẽ kháng nghị Hội đồng thẩm phán tiếp, về ngành tòa án, tôi cũng cho ông biết Giám đốc thẩm chỉ có ba thẩm phán còn Hội đồng thẩm phán sẽ có từ 10-14 phó chánh án, họ là những người bác học uyên thâm rất coi trọng pháp luật và xét xử rất công minh cho dân oan trong vụ án để tránh oan sai cho dân, và làm đơn cứu xét đến quốc hội xin quốc hội giám sát. Tôi hy vọng ông sẽ lấy lại được công bằng, người dân chúng tôi rất bức xúc và ủng hộ ông đấy, nếu ông thua thì có lẽ chúng tôi không dám mua nhà vì quá rủi ro tuy rằng mua bán rất ngay tình và đúng pháp luật, người dân chúng tôi rất tin tưởng vào pháp luật VN.

ptcs.han
20-03-2013, 10:49 AM
Đấy là lời ta thán nổi tiếng của cố chánh án tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương. Em từng nghe nhiều người nói rằng mỗi người có một nhận định khác nhau đối với Luật, ấy nên hội đồng này có nhận định khác với hội đồng xét xử kia, thẩm phán này có nhận định khác với thẩm phán kia là chuyện bình thường. Có lẻ vì thế mà nhiều vụ án xử đi xử lại mỗi tòa một phách, thậm chí có tòa còn quay ngoắt với quan điểm trước kia của chính mình. Em nghĩ Luật chỉ có 1 do đó cái sự hiểu Luật cũng phải chỉ 1 mà thôi, nếu hiểu đúng. Chứ còn Luật chỉ có 1 trong khi ai muốn hiểu thế nào, nhận định thế nào cũng được thì còn gì Luật.

Kết quả xét xử trong vụ án này khiến tất cả những người từng mua đất, mua nhà như bác Chiến phải lo sợ, không biết tai họa có thể ập tới mình bất cứ lúc nào.

alex.chan
20-03-2013, 10:49 AM
Vì em cũng đang học ngành luật nên có vài điều thắc mắc xin hỏi đến anh TranVoThienThu và các anh luật sư trong diễn đàn pháp luật. Trong các vụ án dân sự, chẳng hạn vụ 77 Lê Đình Lý trong mục Thảo luận luật dân sự có đăng. Em có tìm hiểu hơi sâu từ những lần tham dự phiên tòa xét xử, việc tranh chấp ngôi nhà 77 Lê Đình Lý đã qua 5 lần xét xử, trong đó có 2 lần giám đốc thẩm, tức án đã có hiệu lực nhưng xét về nội dung của bản án thì án hoàn toàn oan sai và trái pháp luật, đã được VKSNDTP Đà Nẵng và VKSNDTC chứng minh. Cũng như theo phán quyết của tòa phúc thẩm Đà Nẵng số 56, thì cơ quan thi hành án có thể thi hành án theo phán quyết của tòa gồm nội dung sau:


1.Buộc bà Mỹ trả tiền cho ông Chiến 4 tỷ 7 (tròn số).
2.Buộc bà Ngọc trả cho bà Mỹ 1 tỷ 4 (tròn số).
3.Buộc ông Chiến trả nhà cho bà Ngọc …

-Vậy em xin nhờ các anh giải đáp những thắc mắc trong những trường hợp có thể xảy ra như sau:

1.Nếu như bà Ngọc yêu cầu cơ quan thi hành án, buộc ông Chiến giao nhà, bằng mọi cách kể cả cưỡng chế gia đình ông Chiến ra khỏi nhà có đúng pháp luật trong khi bà Mỹ lại không trả tiền cho ông Chiến (bà Mỹ đã tuyên bố không có tài sản để trả cho ông Chiến) thì có đúng luật pháp hay không?

2.Sau khi cơ quan thi hành án cưỡng chế được gia đình ông Chiến ra khỏi nhà, chỉ đưa cho ông Chiến 1 tỷ 4. Vậy số tiền để bảo vệ quyền và lợi ích của ông Chiến ai sẽ thi hành cho ông Chiến?

3.Nếu như khi thi hành án xong nhà ông Chiến, bà Ngọc bán sang tên cho người khác thì hậu quả ra sao nếu như ông Chiến được Hội đồng thẩm phán TANDTC, quốc hội xem xét lại và lấy lại công bằng?

4.Nếu cưỡng bức gia đình ông Chiến ra khỏi nhà của ông Chiến trong khi không trả tiền cho ông, ông chống đối lại thì ai sẽ đứng ra giải quyết, người giải quyết vấn đề có đúng là người đại diện cho pháp luật hay không? Hoặc nếu như gia đình ông Chiến quá bức xúc đổ xăng thiêu hủy nhà thì hậu quả người xét xử có bị tội hay không?