PDA

View Full Version : nhận định về một vụ việc xâm phạm bí mật đời tư


tungthanh999
18-03-2013, 01:50 PM
Bí mật đời tư (BMĐT) được coi là một quyền cơ bản của con người. Việc bảo vệ thông tin cá nhân là đòi hỏi tất yếu đối với một đất nước văn minh, vì quyền con người. Nhưng vấn đề này hiện nay ở nước ta chưa được quan tâm thích đáng.

Cùng với sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng phát triển theo và nguy cơ xâm phạm, lạm dụng thông tin cá nhân ngày càng phổ biến. Điều này gây cản trở sự phát triển của công nghệ hiện đại trong lĩnh vực này do các bên tham gia giao dịch bị giảm lòng tin, không hài lòng với phương thức giao dịch điện tử. Do vậy, việc hình thành quy định pháp lý về bảo vệ BMĐT của cá nhân sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ứng dụng công nghệ hiện đại, phương tiện truyền thông thông tin hiệu quả.

Những vụ lấy trộm thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả thẻ thanh toán để mua hàng trên mạng hay rút tiền mà báo chí đã đăng tải trong thời gian qua là một biểu hiện cụ thể về tác hại của BMĐT bị xâm phạm, tiết lộ. Trong trường hợp này, BMĐT đồng nghĩa với giá trị vật chất cụ thể, rò rỉ thông tin cá nhân làm thiệt hại không nhỏ đến tài sản. Việc xử lý các vụ việc nói trên cũng cho thấy một khoảng trống trong hệ thống luật pháp của nước ta.

Clip nữ sinh đánh bài cởi áo, “cảnh nóng” của hai học sinh lớp 10 ở Lạng Sơn, nữ sinh Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh đánh nhau, nữ sinh Cần Thơ nhảy lầu tự tử... liên tục gây xôn xao dư luận. Thậm chí trong nhiều đoạn clip còn rõ mồn một tiếng những người xung quanh như: Trời ơi nó có “nghé” à, zoom lại gần đi (nữ sinh nhảy lầu tự tử) hay đánh mạnh vào, cởi áo ra, quay đi kệ chúng nó (nữ sinh đánh nhau)... Vài phút sau, những “khổ chủ” này lập tức trở thành nhân vật nổi tiếng trên thế giới mạng. Và công cụ rất đơn giản, chỉ cần chiếc điện thoại di động cùng cú click chuột...

Việc xâm phạm BMĐT để lại những hậu quả đáng buồn: sau khi những hình ảnh nhạy cảm riêng tư với bạn trai bị người cùng xóm trọ bí mật quay trộm và phát tán trên mạng, L (sinh viên một trường trung cấp Y tại SL) đã tự tử. Kịp thời được phát hiện và cứu sống nhưng hiện tại L phải xin bảo lưu kết quả học tập. Khi những búa rìu dư luận chưa lắng xuống, cô không đủ can đảm quay lại giảng đường. Vài tuần sau, một video tương tự của đôi sinh viên trong trường cũng bị truyền đi khắp nơi. Nữ sinh trong video này trần tình: “Chúng tôi đã đăng ký kết hôn và ai cũng có những thứ chỉ thuộc về thế giới riêng. Khi những điều riêng tư như thế bị phơi bày trước công luận, mọi phán xét lại dồn hết lên chúng tôi... như thể những tội đồ”. Bản thân cô sinh viên này cũng không hiểu một cách rõ ràng về quyền bí mật đời tư.

Theo Luật sư Bích Lan, Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội:

“Ngoại trừ thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân (là một dạng bí mật đời tư theo Điều 38 BLDS) được quy định khá cụ thể thì luật pháp không có quy định thế nào là “đời tư”, khi nào thì “đời tư” bị coi là xâm phạm?

Việc quay lén hình ảnh riêng tư của người khác chắc chắn là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Tùy theo mục đích, người truyền video đó lên mạng có thể bị kết tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xử lý hình sự về tội “làm nhục người khác”. Và dẫu không có mục đích này, người truyền video vẫn bị xử lý hình sự về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” với mức xử phạt cao nhất là 15 năm tù (theo điều 253 Bộ Luật Hình sự).”

Xâm phạm bí mật đời tư trong vụ án xét xử cụ thể:

Việc phóng viên H và báo CL xâm phạm bí mật đời tư của bà Anh.

Tại Bản án số 104/2007/DSPT ngày 14/5/2007 của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Nội dung vụ việc:

Nội dung bài báo Chân dung và những trò lừa bịp” của phóng viên H đã đăng tải trên báo CL số 02 ra ngày 9 đến ngày 16/1/2002 có rất nhiều thông tin liên quan đến đời tư của Bà Anh trú tại (…) tỉnh Tuyên Quang. Song bà Anh chỉ khởi kiện yêu cầu báo CL và phóng viên H phải cải chính và bồi thường thiệt hại ở 6 nội dung bà cho là báo đã đưa tin không đúng dự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà.

1. Khi giải quyết ly hôn năm 1994 bà không tranh chấp tài sản với chồng.

2. Bà không lừa ông cơ lấy 100kg xi măng, không lừa bà tạo lấy 70.000đ, không lừa chị Mai lấy 1,2 chỉ vàng, không có quan hệ với ông B.V.T để lừa lấy 17.000.000đ xây nhà tầng 2,không có quan hệ tình cảm để lừa ông L.V.V lấy 16.000.000đ.

3. Bà không kiện anh em đòi tiền mai táng phí của bố bà.

4. Không có việc bà cùng anh rẻ sắc lấn đất của xí nghiệp dược HT.

5. Bà không bị kỷ luật do vi phạm chuyên môn sửa điểm.

6. Bà không làm đơn kiện ông D, phó Chủ tịch phường (…) và ông H, Chủ tịch UBND (…) vì đơn kiện là do mẹ đẻ bà kiện.

Bà Anh đề nghị được bồi thường thiệ hại về vật chất và tinh thần là 100.000.000đ.

Tòa cấp sơ thẩm đã thụ lý đơn và xét xử chấp nhận một phần khởi kiện của bà Anh, buộc báo CL và phong viên H phải cải chính ở nội dung 1 và 2, cải chính về thời gian bà Anh viết đơn kiện ở nội dung 6 và buộc báo CL cùng phóng viên liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Anh 11.050.000đ.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Anh đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án.

Tại tòa phúc thẩm đã Quyết định áp dụng: khoản 1, 2 điều 34 ; Điều 609; Điều 615 Bộ luật dân sự 1995. Điều 9, 10 Luật Báo chí và Điều 9 Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật báo chí. Điều 4; khoản 4 Điều 5 Nghị định 51/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Điểm b, mục 6, phần I mục 3, phần IV Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 và phần I; mục 3, phần II của Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu đăng tin cải chính của bà Anh đối với ông H- phóng viên báo CL do ông C- tổng biên tập đại diện theo pháp luật.

2. Buộc phóng viên H và báo CL phải đăng tin cải chính… Thời gian cải chính thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 51/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2002, là 10 ngày kể từ ngày phóng viên H và báo CL nhận được bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do danh sự, nhân phẩm, uy tín xâm phạm của bà Anh đối với phóng viên H và báo CL.

Buộc phóng viên H và báo CL do ông C - tổng biên tập làm đại diện theo pháp luật liên đới bồi thường cho bà anh số tiền thiệt hại là 11.050.000đ, gồm các khoản sau: Bồi thường tổn thất về tinh thần, bồi thường những chi phí hợp lý (tiền thuê luật sư, tiền thuê xe đi lại, tiền thuê đánh máy đơn, phô tô tài liệu, chi phí tem, thư), tiền thuê nhà trọ…

Có thể nói, phán quyết của Hội đồng xét xử Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đối với vụ kiện này là bước đột phá trong khi khái niệm “bí mật đời tư” chưa được pháp luật qui định. Trước, trong và sau khi vụ án được giải quyết, có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này. Có quan điểm đồng tình với nhận định của Hội đồng xét xử khi cho rằng các đồng bị đơn đã xâm phạm bí mật đời tư của bà Anh nhưng cũng có nhiều quan điểm không đồng tình, cho rằng Hội đồng xét xử đã xem xét sự việc một cách phiến diện, tự ý giải thích luật.

Theo tôi, việc Hội đồng xét xử nhận định và ra phán quyết khẳng định các đồng bị đơn, tiêu biểu là nhà báo H và báo CL đã có hành vi xâm phạm bí mật đời tư của bà Anh là hoàn toàn có cơ sở bởi lý do sau đây:

Thứ nhất, Mặc dù Điều 34 BLDS 1995 (Điều 38 BLDS 2005) không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, và bản án cũng không nói vì sao áp dụng quyền bí mật đời tư nhưng theo lẽ thông thường chúng ta có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Báo chí có quyền đưa tin, nhưng với những thông tin về bí mật đời tư của cá nhân thì việc đưa tin phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Việc phóng viên đưa tin trên báo rằng một người “lừa đảo” cần phải đưa ra được căn cứ chứng minh bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền kết luận phạm tội “lừa đảo” việc báo CL đưa tin như trên là trái với nguyên tắc suy đoán vô tội, thiếu tính chính xác, không đúng sự thật khách quan. Tác giả hoàn toàn nhất trí với nhận định của tòa án về việc áp dụng Điều 34 BLDS 1995 (Điều 38 BLDS 2005) trong trường hợp này.
Về hậu quả pháp lý với phóng viên H và báo CL đó là phải đăng tin cải chính những thông tin nêu trên với bà Anh là có căn cứ và phù hợp với quyền bí mật đời tư được quy định trong Bộ luật dân sự.

Thứ 2, Việc tòa án áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của phóng viên H và báo CL với bà Anh trong trường hợp này bao gồm các thiệt hại Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và chi phí hợp lý mà người bị xâm phạm quyền bí mật đời tư đã bỏ ra để khắc phục hậu quả và yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Những hành vi xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân đã vô tình ở một góc độ nào đó đụng chạm vào vết thương lòng của nhưng người có những hành vi nguy hiểm cho xã hội trước đây đã và đang mong muốn làm lại cuộc đời, hòa nhập vào cộng đồng vì cuộc sống và vì cộng đồng hoặc những người đã từng bị những tổn thất to lớn trong cuộc đời và muốn quên đi tổn thương to lớn đó. Như tác giả Nguyễn Hải Vân có đề cập đó là: “quyền được quên lãng dành cho những kẻ thủ ác và quyền được quên lãng dành cho những người bị hại”.

Trên đây là quan điểm của tác giả xung quanh việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bí mật đời tư theo qui định của pháp luật. Thiết nghĩ, để có cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp của Toà án liên quan đến bí mật đời tư, trước mắt Toà án nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc giải quyết của Toà án đối với các vụ việc tương tự được thống nhất, khách quan.