PDA

View Full Version : Nghệ thuật nơi Công sở


phuochiep_corporation
08-03-2013, 10:35 AM
10 NGUYÊN TẮC CƠ BẢN DÀNH CHO "DÂN VĂN PHÒNG"



Trong cuộc sống công sở, bên cạnh nội quy của công ty, còn có những quy tắc "bất thành văn" mà nhân viên nào cũng phải tuân thủ. Dưới đây là 10 nguyên tắc như vậy:

Suy nghĩ kỹ trước khi nói

Trong văn phòng, dù mọi người có thân thiết và vô tư đến đâu, bạn cũng nên cẩn trọng với lời ăn tiếng nói của mình. Hãy suy nghĩ trước khi phát ngôn, kể cả với những câu chuyện, nhận xét hài hước bởi chỉ cần một lần " nói hớ", danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Là một thành viên trong nhóm

Là một thành viên trong nhóm tức là bạn phải giúp đỡ đồng nghiệp khi họ "quá tải", tích cực xây dựng nhóm phát triển và kết nối các thành viên với nhau. Mọi người trong nhóm cùng nhau chia sẻ thành công cũng như thất bại để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất và xây dựng văn hoá công sở vững mạnh.

Tôn trọng sự riêng tư cá nhân của đồng nghiệp

Khi sếp hay đồng nghiệp đóng cửa phòng mình lại, tức là anh/cô ấy không muốn bị làm phiền. Vì vậy, bạn hãy tôn trọng sự riêng tư cá nhân của họ.

Nói đùa có giới hạn

Bất cứ lời nói đùa nào cũng phải có giới hạn nhất định. Chỉ cần bạn nói đà, nó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng.

Kiểm tra email kỹ lưỡng trước khi nhấn " send"

Hãy kiểm tra kỹ lưỡng nội dung, lỗi ngữ pháp, chính tả, ngôn từ trước khi gửi email cho đồng nghiệp, khách hàng. Kể cả với những email không quan trọng, bạn cũng cần thực hiện nguyên tắc này để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trong công việc.

Không để vấn đề, ý kiến cá nhân ảnh hưởng tới công việc

Sẽ không ổn chút nào nếu bạn áp đặt suy nghĩ của cá nhân lên đồng nghiệp bởi ai cũng có quan điểm riêng và mọi người phải tôn trọng nó. Ngoài ra, bạn cũng không nên mang chuyện gia đình, cá nhân đến thảo luận ở cơ quan và để chúng ảnh hưởng tới công việc. Hãy rạch ròi giữa công việc và cuộc sống riêng.

Đi ăn trưa cùng đồng nghiệp

Dù bạn không nhất thiết phải đi ăn trưa cùng đồng nghiệp cả 5 bữa một tuần nhưng hãy đảm bảo rằng mình thường xuyên tham gia, kể cả các buổi liên hoan, tụ tập. Đây là cách thắt chặt tình cảm với mọi người trong văn phòng.

Luôn chú ý tới hành động, lời nói của mình

Bất cứ việc gì bạn làm trong ngày, kể cả khi nghỉ trưa, đều thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Đừng chỉ vì 1 câu nói hay hành động hồ đồ mà ảnh hưởng tới hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.

Không để vấn đề của bản thân ảnh hưởng tới đồng nghiệp

Hãy cố gắng đừng để sai lầm của bản thân làm liên lụy tới những người khác. Nếu gặp vấn đề, hãy tự mình tìm cách giải quyết và chỉ nhờ đến người khác nếu nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn.

Tôn trọng tài sản của công ty

Điều đó có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn tài sản chung của công ty và đặc biệt không cố tình" cầm nhầm" đồ cơ quan về nhà, dù chỉ là những thứ rất nhỏ như giấy in, bút viết. Chỉ cần sếp hay đồng nghiệp bắt gặp những hành động không đẹp mắt đó, họ sẽ có ấn tượng xấu về bạn, nếu nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị sa thải hoặc phải đối mặt với pháp luật.

thietchuong
08-03-2013, 10:35 AM
ỨNG XỬ KHI BỊ "SOI" ĐỜI TƯ TẠI CÔNG SỞ



Không ít lần bạn bị đồng nghiệp “xoay” với những câu hỏi quá riêng tư? Bạn cảm thấy khó chịu vì kiểu “quan tâm”, “săm soi” quá mức của đồng nghiệp và không muốn chia sẻ những chuyện cá nhân? Bạn nên ứng xử thế nào khi rơi vào tình huống này?

Sự quan tâm, đôi lúc có phần thái quá và tò mò của đồng nghiệp là điều không hiếm gặp tại công sở. Đó còn chưa kể những câu hỏi soi mói, mang tính “công kích” trong một số trường hợp. Trả lời qua loa, chuyển hướng đề tài, hay ăn miếng trả miếng đều chưa hẳn là giải pháp triệt để. Một số lưu ý sau có thể sẽ giúp được cho bạn:



Chandra Jackson, Giám đốc điều hành một khách sạn tại Mỹ chia sẻ, “Tôi thường tỏ rõ lập trường của mình một cách tế nhị nhưng kiên quyết ngay từ đầu với mọi người xung quanh: các vấn đề liên quan đến công việc luôn được chào đón, nhưng nếu đó là những câu hỏi về đời tư, hay thậm chí là châm chích, tôi sẽ khéo léo nói thẳng rằng tôi không muốn chia sẻ những chuyện cá nhân và chọn cách không trả lời.”

Cân nhắc ý định thực sự của người nói, không chủ quan dựa trên cảm nhận của bạn: Hãy phân tích động cơ của người nói khi họ có những phát ngôn, nhận xét hay thắc mắc mang tính cá nhân nhắm vào bạn. Phân tích khách quan xem đó chỉ đơn thuần là lời nói vô ý, thuận miệng thốt ra bởi tò mò hay có chủ đích, “tâm ý” rõ ràng.

Xem xét bối cảnh: Nếu là ở một hàng ăn, quán nước nào đó thì bạn có thể không ngần ngại bày tỏ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, môi trường công sở có những ranh giới nhất định, và bạn cần suy nghĩ kỹ lưỡng về phản ứng cần có và cách đối đáp phù hợp, tránh “nóng giận mất khôn”, hay trả lời cộc lốc thái quá.

Đừng “trả đòn”: Hãy nói thẳng, “Tôi thấy không thoải mái nếu trả lời câu hỏi này vì nó mang tính cá nhân quá. Tốt nhất là chúng ta đề cập đến chuyện khác sẽ hay hơn”, thay vì đối đáp kiểu: “Cô/Anh không có quyền soi mói mấy chuyện đời tư của tôi. Mấy người nghĩ mấy người là ai?”

Tập phản xạ ứng phó: Theo Peter Senge, tác giả quyển sách The Fifth Discipline, bạn hãy quan sát phản ứng của bản thân bằng cách tự hỏi, “Tôi đang cảm thấy như thế nào? Tôi đang nghĩ gì? Tôi muốn xử lý tình huống này ra sao?” Phương pháp này sẽ giúp bạn có phản xạ cần thiết và có cách ứng xử lanh lẹ khi gặp phải những trường hợp như vậy.

Đối phó với những kẻ cố tình chọc phá: Nếu đồng nghiệp nào đó cố tình không hiểu sự khó chịu của bạn và cố tình tò mò những chuyện đời tư, bạn cần thẳng thắn và cứng rắn hơn nữa khi trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp này.

tung
08-03-2013, 10:35 AM
9 bí mật mà công ty không bao giờ muốn bạn biết


Có một vài điều bạn có lẽ đã biết. Nhưng có những điều mà công ty không muốn bạn biết. Ví dụ như, công ty nào cũng lập một danh sách đen những nhân viên sẽ bị sa thải và kiểm soát nhân viên bằng cách đọc email của họ.
Trong cuốn sách mang tên “Corporate Confidential” (tạm dịch Bí mật của doanh nghiệp), tác giả Cynthia Shapiro từng là giám đốc nhân sự và thừa hiểu bí mật của các công ty, đã “tiết lộ” những điều mà công ty không muốn bạn biết.
“Cuốn sách này mang đến cho cả nhân viên và lãnh đạo cơ hội nhìn nhận sự việc theo phương diện khác”, bà Cynthia nói.
Dưới đây là 9 bí mật mà các công ty không hề muốn bạn biết.

1. Một trong những mục tiêu bí mật của bộ phận nhân sự là loại bỏ những nhân viên không mong muốn nhưng vẫn đảm bảo được về mặt pháp lý cho công ty. Những công ty này luôn cố gắng loại bỏ những nhân viên trong danh sách đen bằng cách giao cho những người này một công việc không hạn chế về thời gian, và hoàn toàn không thực tế.

Vậy làm thế nào để nhận ra bạn đang nằm trong danh sách đen này? Đó là khi bạn cảm thấy bị thờ ơ, bị làm việc quá sức, bị trả lương thấp và ông chủ của bạn thì không hề dành sự quan tâm tới bạn giống như đối với những người khác.

2. Những giám đốc nhân sự được đào tạo nhiều năm không phải để nói cho bạn rằng bạn đã làm sai điều gì?

Có một sự thật là các công ty đều cảm thấy không thích phải đôi co, tranh cãi. Do vậy, họ không muốn phân trần với bạn về những việc bạn làm sai.

Còn bạn thì thay cho việc sửa chữa những sai sót, sẽ phải lặng lẽ đứng ngoài và ghi tên mình vào danh sách bị sa thải.

3. Công ty luôn nói với bạn rằng: hãy cố giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng, sau đó sẽ sa thải bạn nếu bạn thực hiện đúng như thế.

Mặc dù hầu hết các công ty đều kêu gọi cần cân bằng giữa cuộc sống và công việc để quảng bá cho hình ảnh của công ty. Thực tế, những nhân viên làm việc tới 50 giờ mỗi tuần thì vẫn được thưởng đều đặn.

4. Công ty của bạn sẽ không nói với bạn bạn qua già hay quá trẻ, nhưng việc đề bạt bạn hay sa thải bạn lại chính dựa vào điều đó.

Nói như vậy, nhưng thực chất tuổi tác cũng không phải là vấn đề quá lớn. Những công ty luôn nhận những nhân viên trẻ là những công ty hay thay đổi. Vì vậy, bạn nên cho họ thấy bạn luôn nỗ lực chịu trách nhiệm với công việc của mình như: hoàn thành công việc sớm hơn 15 phút so với yêu cầu, về muộn 15 phút so với người khác và luôn đúng hẹn cho những dự án.

Còn đối với những nhân viên có tuổi, họ có bề dày kinh nghiệm nhưng họ thiếu tính linh hoạt và sức khỏe để đưa ra những điều mới lạ trong kinh doanh. Vì vậy, bạn nên nhớ rằng đừng nghỉ quá nhiều ngày vì bệnh tật trừ khi bạn bắt buộc phải làm điều đó.

5. Những công ty không muốn bạn tỏ ra quá thông minh. Không có vấn đề gì nếu bạn có một ý định tốt. Tuy nhiên, việc muốn góp ý, hay “bóc mẽ” những sai sót của ông chủ sẽ là điều không nên làm. Bạn chỉ nên đưa ra ý kiến khi được hỏi.

6. Đừng bao giờ trực tiếp yêu cầu được thăng tiến. Việc nói với người quản lý rằng bạn đã sẵn sàng được thăng tiến sẽ khiến họ cảm thấy lo lắng, thậm chí quan ngại về bạn. Thay vào đó, bạn hãy chứng minh bằng những việc làm cụ thể, những nỗ lực trên mức bình thường.

Có một sự thật là các kế hoạch thăng tiến cho vị trí nào đó luôn được bí mật cho đến khi công khai với người lao động.

7. Những công ty có thể sẽ thuyên chuyển bạn trong khi bạn nghỉ sinh con hoặc vì bệnh tật. Họ sẽ mặc định bạn bị sa thải, thu hẹp hoặc tổ chức lại nhân sự trong lúc bạn vắng mặt bởi họ chỉ được yêu cầu trả lại bạn vị trí đúng hoặc tương tự như trước khi bạn quay trở lại.

Vì vậy, dù xảy ra việc gì, bạn cũng nên là người chủ động nói với ông chủ về vấn đề sẽ nghỉ việc một thời gian. Nếu để anh ta nghe thấy điều đó từ một người khác, anh ta sẽ cảm thấy nhân viên không thẳng thắn về việc chia sẻ cho anh ta và bạn sẽ bị sa thải trước khi bạn biết điều đó.

8. Bạn có thể rất thích mặc quần jean để đi làm, tuy nhiên, rất có thể bạn sẽ bị sa thải về điều đó. Rất nhiều công ty không yêu cầu nhân viên mặc đồng phục. Tuy nhiên, thực tế họ luôn nhìn vào cách ăn mặc của bạn để xem suy nghĩ của bạn theo chiều hướng nào.
Khi làm việc, bạn nên ăn mặc “dè dặt”. Nếu có thể, bạn nên ăn mặc cho phù hợp với phong cách của những nhà quản lý cấp trên bạn.

9. Có những nhà quản lý về công nghệ thông tin và họ luôn quét qua tất cả các email.
Bạn luôn phải giả định tất cả các email đều đang được đọc. Những công ty thường xuyên làm điều này, họ cho rằng việc đó có thể khiến họ bước gần hơn vào đời sống của nhân viên. Những email cá nhân đến bạn bè có thể cung cấp thông tin về việc bạn đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian trong một ngày để chờ cho đến 5 giờ chiều.

tanlienthuan
08-03-2013, 10:35 AM
Giải tỏa nỗi sợ…sếp


Vì sếp là người có quyền lực và tác động rất lớn tới sự nghiệp cũng như cuộc sống công sở của cấp dưới nên nhiều nhân viên sẽ lo lắng, thậm chí sợ sệt khi đứng trước sếp. Để giải tỏa nỗi sợ này, bạn có thể áp dụng một số lời khuyên sau:

Chủ động nói chuyện với sếp

"Thay vì thụ động chờ đợi sếp nói chuyện và cho biết bạn phải làm những gì, hãy chủ động hỏi sếp mình nên sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc ra sao. Bạn nên đặt ra những câu hỏi và yêu cầu cụ thể để đảm bảo mình hiểu đúng ý sếp", Lynne Eisaguirre, một chuyên gia về công sở và tác giả cuốn sách Những cuộc nói chuyện căng thẳng với sếp, đưa ra lời khuyên.

Luyện tập

Bạn có thể luyện tập cách phản ứng trước những tình huống và câu hỏi của sếp khiến bạn lo lắng. Một khi đã quen, bạn sẽ thấy tự nhiên và thoải mái hơn khi nói chuyện với sếp. Tất nhiên là bạn không thể biết trước tất cả tình huống cụ thể khiến mình phải toát mồ hôi khi đứng trước sếp nhưng luyện tập giúp bạn cảm thấy tự tin hơn.

Không nói xấu sếp

Nói xấu sếp không chỉ là hành động kém chuyên nghiệp mà còn khiến bạn càng thêm sợ sếp. Tốt nhất, bạn không nên nói xấu sau lưng sếp dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trên blog hay trang mạng xã hội riêng.

Tìm hiểu về sếp

Sự thoải mái trong mối quan hệ bắt nguồn từ những điều thân thuộc. Do đó, bạn nên dành chút thời gian ngoài công sở để làm thân với sếp. Bạn có thể đi ăn trưa cùng sếp hay rủ sếp đi uống cà phê. Những khoảng thời gian thân mật như vậy giúp bạn hiểu rõ hơn về con người sếp, về giá trị hay nỗi lo lắng cũng như cuộc sống riêng của sếp. Hãy dũng cảm đến chỗ sếp và bắt đầu một cuộc nói chuyện cởi mở với anh/cô ấy.

Coi sếp là người cố vấn

Sếp có thể cung cấp những thông tin quan trọng cũng như những lời khuyên hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn. Điều quan trọng là bạn phải biết cách khai thác. Bạn có thể mạnh dạn tới chỗ sếp và thảo luận với anh/cô ấy về những vấn đề trong sự nghiệp của mình. Những người giàu kinh nghiệm và quyền lực như sếp rất thích được chia sẻ lời khuyên cũng như đóng vai trò cố vấn cho người khác.

Hoàn thành xuất sắc công việc của mình

Lời khuyên đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất để trị "chứng" sợ sếp: trở thành một nhân viên xuất sắc. Hãy làm việc chăm chỉ và hoàn thành tốt phần việc của mình. Bạn sẽ có sự tự tin và không run sợ trước bất cứ tình huống nào, kể cả với sếp. Nhưng lưu ý rằng đừng biến sự tự tin thành tự kiêu, nếu không bạn sẽ đánh mất niềm tin của sếp cũng như những người khác.

vuong_it
08-03-2013, 10:35 AM
Những bước đi "tiêu diệt" cơ hội việc làm của bạn



(Dân trí) - Bạn đã vượt qua vòng sơ loại hồ sơ, thậm chí là một vài cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, với buổi gặp gỡ trực tiếp với nhà tuyển dụng, bạn có thể gặp một trong những sai lầm đáng tiếc.
Đối với nhiều người, buổi phỏng vấn là giai đoạn áp lực nhất trong hành trình tìm kiếm việc làm bởi vì đã đến lúc họ không thể giấu mình đằng sau những lá thư hoặc những bộ hồ sơ đã được chau chuốt. Cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt giữa nhà tuyển dụng và các ứng viên sẽ thực sự diễn ra. Nhưng nếu bạn ghi nhớ 13 chú ý đơn giản dưới đây, bạn sẽ vượt qua buổi phỏng vấn và dành được kết quả tốt đẹp.

Sau đây là những lỗi thường gặp trong các buổi phỏng vấn và cách tránh:

Đến muộn: Hãy xác định rõ đường đến địa điểm phỏng vấn từ nhà tuyển dụng hoặc bản đồ. Mang theo đồng hồ và khởi hành sớm. Nếu có chuyện gì xảy ra khiến cho bạn không thể đến đúng giờ, hãy gọi cho nhà tuyển dụng và sắp xếp một lịch hẹn khác.

Trang phục không phù hợp: Bạn sẽ tạo một ấn tượng tích cực mạnh mẽ trong buổi phỏng vấn ở 17 giây đầu tiên. Mặc một bộ vest lịch sự, màu sắc nhã nhặn, một chút trang sức (bằng vàng, bạc hoặc ngọc), giầy đế thấp (tao nhã), và mọi thứ phải thật sạch sẽ và gọn gàng. Giữ vệ sinh bao gồm chải tóc, đánh răng, khử mùi cơ thể và một chút nước hoa thoang thoảng. Hãy kiểm tra mọi thứ vào buổi tối hôm trước, kiểm tra lại trước khi khởi hành và lại một lần nữa tại phòng chờ trước khi phỏng vấn.

Đóng vai một “xác chết”: Đúng, bạn rất lo lắng, nhưng bạn vẫn có thể mỉm cười, đúng không? Và vẫn có thể tạo sự liên kết bằng mắt, đúng chứ? Ngồi xuống, tập trung vào người phỏng vấn, và bắt đầu trả lời. Sự hăng hái, nhiệt tình là điều mà nhà tuyển dụng muốn trông thấy từ bạn.

Không thuốc lá, kẹo cao su và bia/rượu: Tất cả những điều này là ở bản thân bạn, và không ai có thể giúp. Các nhà tuyển dụng muốn thuê những người không hút thuốc. Tại một buổi phỏng vấn khi ăn trưa hoặc ăn tối, tất cả mọi người có thể uống bia/rượu, trừ bạn.

Không tìm hiểu về công ty: Sẽ chẳng có thời gian cho bạn tìm hiểu về công ty tại buổi phỏng vấn. Bạn cần nắm được những dịch vụ và sản phẩm của công ty, doanh số hàng năm, cơ cấu tổ chức và những thông tin cơ bản về công ty qua Internet, tạp chí hoặc từ những nhân viên của công ty từ trước đó. Hãy chứng tỏ rằng bạn muốn được trở thành một nhân viên của công ty bằng cách thể hiện những hiểu biết của bạn về công ty đó.

Không thể nói rõ ràng về những điểm mạnh và yếu của chính bản thân: Chỉ có bạn mới có thể nhận ra những điểm mạnh có giá trị nhất cũng như những điểm yếu dễ bị đánh trúng nhất của mình. Hãy tập trung vào những điểm mạnh của bạn. Còn điểm yếu, nếu phải đưa ra hãy cố gắng chuyển nó sang mặt tích cực.

Phỏng vấn trôi chảy: Luyện tập! 1 người bạn, một danh sách các câu hỏi phỏng vấn và một máy ghi âm, và tiến hành một buổi diễn tập phỏng vấn. Giới thiệu và thuyết minh, đó là một phần của buổi phỏng vấn thực sự. Hãy bắt đầu bằng việc giới thiệu bản thân và đi xuyên suốt cả cuộc phỏng vấn cho đến khi nói lời tạm biệt. Viết ra những câu trả lời khó, luyện tập chúng cho đến khi bạn diễn đạt một cách lưu loát (nhưng đừng quá trơn tru)

Thao thao bất tuyệt: Lan man, làm gián đoạn cuộc phỏng vấn và trả lời một câu hỏi đơn giản bằng một bài diễn văn 15 phút…, tất cả những điều đó có thể tránh được nếu bạn để ý và luyện tập về những gì bạn muốn đề cập đến. Câu trả lời tốt là câu trả lời súc tích, ngắn gọn.

Không tạo được mối liên kết giữa bản thân và vị trí đang ứng tuyển: Nhu cầu của công ty đã được thể hiện một cách tỉ mỉ thông qua mô tả công việc. Bạn hãy kết nối kinh nghiệm, tài năng và thế mạnh của mình với những mô tả đó. Điều đó trả lời cho những lý do cần thiết cho buổi phỏng vấn: “Học vấn/ kinh nghiệm/ tài năng/ thế mạnh của tôi phù hợp với yêu cầu của công ty ông ra sao? Và tại sao tôi có thể làm được công việc đó cho công ty của ông.”

Không đưa ra các câu hỏi và hỏi quá nhiều: Sử dụng những điều bạn tìm hiểu được để đưa ra tập hợp các câu hỏi giúp bạn xác định liệu cộng việc này hoặc công ty này có phù hợp với bạn hay không?

Nói xấu ai đó: Bạn không muốn trở thành một người luôn phàn nàn chứ? Tốt hơn hết là đừng nói xấu về người chủ hiện tại, hay người chủ cũ hoặc đối thủ của bạn.

Đòi hỏi về thù lao và/hoặc lợi ích quá sớm: Hãy chờ cho đến khi nhà tuyển dụng đề cập đến vấn đề đó sau, sau khi thảo luận về trình độ cũng như yêu cầu và mong muốn của công ty.

Không có đề nghị cho công việc: Khi nhà tuyển dụng ra ý kết thúc buổi phỏng vấn, hãy cho họ biết bạn quan tâm đến công việc đó và hỏi về những bước tiếp theo.