PDA

View Full Version : Học trò xưa và nay.......


thaloga
08-03-2013, 10:33 AM
“Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nô nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..."

Không biết bây giờ, các cháu học trò có trò nào còn biết tới đoạn văn trên trong bài TÔI ĐI HỌC của Thanh Tịnh viết năm 1941 ? Còn thời của tôi và có lẻ là của tất cả chúng tôi ( U50 - U60 ) không ai lại không biết. Học trò bây giờ, nghe nói là theo thời đại, cách học, chương trình học cũng hiện đại theo. Thú thật là tôi không đủ trình độ để đánh giá, tôi cũng biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế là tôi không lý giải được nhiều cái khác nhau, thậm chí rất khác nhau của học trò xưa và nay.

Hồi đó, bọn học trò nhà quê chúng tôi, 1 buổi đi học, 1 buổi phải làm lụng giúp đỡ cha. mẹ, từ đó mới có những bức tranh tuyệt đẹp : chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, mồm ê a đánh vần theo trang sách giữa buổi chiều trên cánh đồng quê êm ả. Buổi sáng đi học thường xuyên chỉ lót dạ bằng cơm nguội chiên với thức ăn còn lại từ chiều hôm trước. Thế nhưng học xong Tiểu học, tất cả những trò có học lực khá trở lên đều biết "đỉnh đầu" của tổ quốc là Ải Nam Quan, "điểm cuối" là Mũi Cà Mau, những chú nhóc này có thể tính giúp cha. mẹ đào 1 cái giếng sâu bao nhiêu, đường kính bao nhiêu sẽ tương ứng với số tiền bao nhiêu nếu cách tính tiền theo mét khối đất.

Học trò cấp 1 bây giờ được cha, mẹ bảo bọc thật tốt, sáng phải điểm tâm bằng những món thật ngon, bổ, trưa, chiều, tối cũng vậy, nào sửa tăng chiều cao, sửa tăng trí thông minh. Các cháu chỉ có mỗi việc là học và chơi. Việc học của các cháu thì nay chương trình cải tiến này, mai chương trình hiện đại nọ, học bù đầu và "giỏi" tới độ khó tin là cả lớp đều là học sinh giỏi, tiên tiến. Ấy nhưng, chả hiểu các cháu được dạy những gì mà khi tốt nghiệp cấp 1, chả mấy đứa biết điều mà lũ học trò - mục đồng hồi xưa rất nhiều đứa biết như tôi kể trên. Ai không tin xin cứ thử sẽ có ngay kết quả.

Tôi sẽ tiếp tục Tản mạn với học sinh Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp, tương đương với cấp 2 và cấp 3 hiện nay.

chinh186
08-03-2013, 10:33 AM
Nghe ông doccohoanglong nhắc lại thời tiểu học khiến tôi cũng bồi hồi.
Thời đó, ở bậc Tiểu học mỗi tháng 5 trò có học lực từ hạng nhất tới hạng 5 được phát bảng danh dự và được viết tên vào mảnh giấy màu dán lên bảng vinh danh của lớp. Buổi phát bảng danh dự rất đơn giản nhưng có ý nghĩa. Cô giáo gọi 5 trò nhận bảng lên bục giảng xếp hàng ngang theo thứ tự. Chỉ vài lời khen ngợi nhưng cả lớp im phăng phắc lằng nghe và khi cô giáo phát bảng thì cả lớp vổ tay khiến ai được nhận bảng cũng tự hào và xúc động tới rơi nước mắt. Tôi nhớ rất rõ là chỉ thỉnh thoảng mới có chuyện trùng điểm trung bình để xếp hạng ngang nhau, còn thì chỉ thua 0,01 cũng phải xếp hạng sau. Có lẻ vì thế mà sĩ số lớp là 40 thì phải có hạng từ 1 tới 40.

Cuối niên học, Trường tổ chức phát thưởng cho những học sinh từ hạng nhất tới hạng 5, về sau thì chỉ phát từ hạng nhất tới hạng 3. Buổi phát thưởng này rất long trọng. Tôi còn nhớ rõ phần thưởng dành cho học trò Tiểu học gần 50 năm trước gồm có : hạng nhất được 1 cái cặp, 1 cái áo mưa, một bộ sách của lớp kế tiếp, 20 quyển tập, một hộp dụng cụ gồm bút, thướt kẻ, ê ke.... và vài quyển sách bổ ích dùng để đọc thêm mà mở mang kiến thức. Tháng 5 vừa qua tôi đưa con (là 1 trong 5 thủ khoa lớp 5 của Trường ) đi lãnh thưởng với phần quà là 20 quyển tập.

Thời đó, ai được xếp hạng nhất tới hạng 3 cuộc thi khối lớp toàn quận thì.....như lên mây. Xe "công xa" của Quận trưởng sẽ về tận trường đón tới dự buổi lễ phát thưởng cực kỳ long trọng với rất nhiều ông to, bà lớn và các nhà tài trợ tham dự, khen thưởng, động viên. Tôi nhớ như in cho tới tận bây giờ hình ảnh cậu học trò nhỏ bé đoạt hạng nhất toàn quận phải oằn mình nhận quà hết của người này tới người khác. Thầy Hiệu trưởng đã phải giúp em. Cuối buổi lễ, Quận trưởng còn cho xe chở cậu học trò cùng núi quà về tận nhà. Số tập lãnh thưởng lần ấy, cậu học hết Trung học đệ nhất cấp ( lớp 6 tới lớp 9 ) mà vẫn còn !

Phải chăng với sự đãi ngộ và trân trọng nhân tài như vậy nên nền giáo dục xưa đã tạo nên nhiều tên tuổi nổi tiếng toàn cầu ?

anphafurniture
08-03-2013, 10:33 AM
Từ tiểu học, muốn vào học Trung học đệ nhất cấp ở Trường Công Lập phải qua một kỳ thi tuyển gắt gao gọi là thi đệ Thất. Thi đủ các môn : Toán, Tập làm văn, Thường thức ( Địa lý, sử ký, đức dục, vệ sinh....). Trò nào rớt, còn tuổi thì xin học lại 1 năm lớp Nhất ( lớp 5 ) để thi lại vào năm sau, hết tuổi, muốn học tiếp thì học trường tư thục.

Vào Trung học đệ nhất cấp ( trung học cơ sở bây giờ ) nữ sinh phải mặc áo dài, nam sinh quần tây xanh, áo sơ mi trắng, áo bỏ vào quần. Việc này giúp các cô cậu ý thức được mình đã "người lớn" nên có nhiều thay đổi, việc dễ nhận thấy nhất và đầu tiên là giữa Nam với Nữ hiếm còn gọi nhau "mày, tao" như hồi tiểu học. Thế nhưng, gần như hoàn toàn không có chuyện yêu đương ở giai đoạn này. Học trò bây giờ, tới lớp 9 mà nhiều cô cậu vẫn gọi nhau mày tao tự nhiên như "con nít", vậy mà từ lớp 7 đã "lai rai" có người yêu nhau, số lượng tăng dần......

Thời đó, thầy cô dạy Trung học đều được gọi là Giáo sư. Tôi không biết thời ấy lương giáo sư ra sao, nhưng tôi nhớ chắc một điều là không có giáo sư nào tới trường bằng xe đạp mà bằng những loại xe đắt tiền thời đó như Vespa, Honda Dame. Trang phục của các giáo sư luôn mới, đẹp, quý phái. Tóm lại, giáo sư là thần tượng về mọi mặt của học sinh. Kể lại việc này, tôi chỉ muốn nói thầy cô là người "trồng người", muốn thầy cô làm tốt nhiệm vụ thì Nhà Nước và Xã hội phải tạo điều kiện thật tốt, chứ còn thầy cô luôn lận đận trong cuộc sống do lương 3 cọc 3 đồng, phải đi dạy bằng xe đạp, xe cà tàng, trong khi học trò lắm đứa xe tay ga, thậm chí xe hơi thì e rằng nền giáo dục hiện nay còn phải "cải tiến" dài dài.......