PDA

View Full Version : Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà


viethanltd
08-03-2013, 10:33 AM
Gánh con ra chợ cầm nợ, nung đỏ dao tự chặt cả bàn tay... Vượt lên những đau khổ ghê gớm của cuộc đời, giờ Hằng "hủi" sống hạnh phúc bên... bờ ao nhà mình.

Chị đưa tay rót nước. Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy đôi bàn tay cụt hết ngón, sần sùi, sứt sẹo, đôi chỗ vẫn còn rớm máu... Gần cả một đời, người đàn bà “khó đôi bàn tay” này đã nếm trải trăm đắng, ngàn cay mà có lẽ các nhà tiểu thuyết cũng không tưởng tượng ra nổi một số phận kỳ lạ như vậy. Nghe chị kể mà tôi gai người, để rồi tin rằng ở đời vẫn còn chuyện cổ tích...

“Khúc dạo đầu” của số phận

Năm 1967, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán, cô gái trẻ Trần Thị Hằng được cử vào miền Nam công tác. Trên đường đi, vướng phải mìn chị suýt chết trong gang tấc. Nhưng chiến tranh thực sự in dấu ấn khủng khiếp vào đời chị khi nó cướp mất đứa con trai đầu lòng mới tròn 2 tuổi.

Năm 1970, sau cơn sốt rét thập tử nhất sinh, chị được điều ra Bắc làm ở Cục Thu bội chính (Bộ Tài chính). Năm 1972, đang ở Hoài Đức (Hà Tây), chị bị trúng bom Mỹ. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng, buộc phải nghỉ việc về quê chồng. Từng ấy biến cố đối với người đời có thể xem là bất hạnh rồi, nhưng với chị đó mới chỉ là “khúc dạo đầu” của số phận...

Cuộc sống ở Bắc Ninh quê chồng khốn khó đến nỗi chị phải gửi Tú Anh - Đứa con trai còn đi chưa vững - về quê Thái Bình cho bà ngoại nuôi. Những tưởng, nghèo khổ sẽ khiến vợ chồng thương nhau hơn, nhưng người chồng không chấp nhận cảnh “râu tôm nấu với ruột bầu”, đã bỏ chị đi theo một người đàn bà khác.

Mang thai đứa con thứ ba được 8 tháng, ngày nọ chị bỗng thấy lên cơn sản giật đau quằn quại. Một người phụ nữ thương tình đã đưa chị đi bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện chỉ cứu được mẹ, còn đứa con hơn 8 tháng tuổi đã chết khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời...

Từ bệnh viện trở về, đập vào mắt người mẹ vừa mất con là một sự thật phũ phàng khác: Quần áo chị đã bị người nhà chồng đốt sạch. Đến nước ấy, chị chỉ còn mỗi con đường về quê với mẹ.

Nhưng về quê, chính quyền địa phương lại nghi ngờ chị “trốn chúa lộn chồng” nên bắt trở lại Bắc Ninh. Chị cứ sống cảnh chơi vơi, không hộ khẩu, bị đưa đi đẩy lại như thế trong một thời gian dài.

Người mẹ già đang ở với chị gái. Không chốn nương thân, chị lấy 5 cây chuối kết thành bè, dựng lên đó túp lều lợp bằng cỏ môi, lênh đênh trên mặt ao hoang vắng.

Mùa đông rét căm căm. Ban đêm chị để đứa con trai bé bỏng nằm trên người, ôm chặt lấy nó, tự biến mình thành chiếc lò sưởi mặc cho gió lạnh lùa tứ bề. Trời mưa to, nước tuôn xuống túp lều rách nát, chị lấy chiếc nón mê đội lên đầu con, còn mình đành chịu ướt.

Nước quyện với bồ hóng trên mái nhà rơi xuống, nhuộm đen cả mặt chị. Có lúc, nước mắt hoà với nước mưa lẫn bồ hóng, chảy thành dòng trên đôi gò má gầy guộc. Nằm mà nơm nớp lo chiếc bè chuối có thể bị chìm bất cứ lúc nào.

Chẳng biết chia sẻ cùng ai, trong nỗi cô đơn cùng cực, người đàn bà ấy đã làm những câu thơ như thế này: “Túp lều nát rùng mình trong giá rét; Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm giông; Ai sẽ về chăm lo? Chẳng còn ai nữa hết; Tội nghiệp nỗi cô đơn trong đêm tối khóc thầm”.

Gánh con ra chợ cầm nợ

Chị đọc cho tôi nghe bằng một chất giọng tưởng như có thể gọi cả đêm đông ấy về đây. Rồi chị nói: “Hồi đó, chị Dậu còn sướng hơn tôi vì có đàn chó để bán. Ở đã thế, kiếm miếng ăn còn cơ cực gấp mấy lần...”.

Hàng ngày, từ túp lều, chị đặt Tú Anh vào một đầu quang gánh, đầu còn lại bỏ vào hòn đá cho cân, rồi quảy ra chợ. Đến chợ chị đưa thằng con trai đi cầm nợ để lấy chịu của người ta mớ rau, ít cà chua đem bán, với lý lẽ như thế này: “Cháu không có vốn, nên đặt đứa con ở đây cho bà tin, bà cho lấy ít hàng đi bán kiếm chút tiền đong gạo. Bán xong sẽ về trả tiền và xin lại con. Cháu chẳng phải chửa hoang đâu, chẳng qua bị chồng ruồng bỏ”.

Cứ thế, Tú Anh trở thành một thứ “vốn lưu động” giúp hai mẹ con sống qua ngày. Đi bán hàng ở chợ Rồng (Nam Định), xa quá không về nhà được, đêm chị bỏ con vào bao tải, còn mình ngồi canh cho con ngủ, muỗi đốt đỏ chi chít cả mặt. Những nốt muỗi đốt trông như một trời sao.

Thời ấy, nước máy khan hiếm, chị có thêm nghề đi xếp nước thuê. Đứng xếp hàng mấy tiếng đồng hồ, người ướt nhoẹt, chỉ được trả có vài xu. Đứng xếp hàng từng đêm như thế, chị mơ mình sẽ có một ngôi nhà nho nhỏ cho hai mẹ con trú nắng trú mưa. Ước mơ đó có vẻ như quá xa vời khi mà để mua một chiếc bếp thổi giá có 8 đồng mà 2 năm rưỡi chị mới trả xong nợ.

Nhưng rồi, sau bao đêm ngồi bên bao tải canh cho con ngủ, sau bao đêm ướt sũng xếp hàng thuê, cuối cùng chị cũng dành dụm được một khoản tiền mua cái ao hoang hoá, nơi bao năm nay “chứa chấp” chiếc bè chuối của hai mẹ con. Cái ao giá 2 triệu đồng, chị phải vay nặng lãi 1 triệu đồng, 10 năm sau mới trả xong, lúc đó số nợ đã lên tới 10 triệu đồng.

Ngày đi làm, đêm chị lặng lẽ gánh đất về lấp ao. Chiếc ao rộng, nước sâu, từng gánh đất nhỏ nhoi đổ xuống tan biến đi, giống như “dã tràng xe cát biển Đông”. Nhưng rốt cục thì đó cũng chẳng phải “công dã tràng”, một góc ao đã biến thành đất bằng, đủ để dựng nhà.

“Dựng nhà”, hai từ đó nghe mỉa mai làm sao khi mà trong tay chị không có lấy một đồng. Nhưng người đàn bà ấy biết mình phải làm gì. Cả ngày buôn thúng bán mẹt ngoài chợ, trời chập choạng tối, chị lại gánh đá đổ ở điếm đầu làng, rồi từ đó “tha” về chiếc bè chuối.

Âm thầm gánh đá trong đêm như vậy, có những lúc buồn ngủ, đòn gánh bật ra đập vào mặt chị thâm tím. Nghĩ đến đứa con trai đói ăn, chị còn “đa mang” đi gánh thuê cát vàng, gánh cả một thuyền cát chỉ được cho vay 13 bơ tấm, nhưng sau đó phải trả bằng gạo.

xem tiếp phần 2

chanvietco
08-03-2013, 10:33 AM
Phần 2.

Nung đỏ dao, tự mình chặt cả bàn tay

Gánh đủ đá, chị đào đất đóng gạch. Đôi tay đàn bà mềm yếu ấy đập đá, nhồi đất dẻo dai như tay lực điền. Nhưng một ngày nọ, chị bỗng thấy những ngón tay của mình ngắn lại, mòn đi, nhiễm trùng đang hoại tử. Những ngón tay phải đập đá, đào đất quá nhiều, đã lâm "trọng bệnh”.

Lúc đó, vì chưa có hộ khẩu nên không được vào bệnh viện, chẳng còn cách nào khác, chị bỗng nghĩ ra một kiểu “điều trị” khủng khiếp: nung đỏ con dao sắt, kê ngón tay lên viên gạch và nghiến răng chặt!

Khi ngón tay đã đứt lìa, nhọ nồi hoà với vôi đã được chuẩn bị sẵn, chị run rẩy bôi vào vết chặt. Choáng váng, chị ngất đi vì đau. 1 ngón tay, 2 ngón tay, 4, 5 ngón tay... lần lượt lìa khỏi bàn tay chị theo cách “trung cổ” đó. Bàn tay trái chặt ngón tay phải, bàn tay phải chặt ngón tay trái. Cho đến khi không còn ngón tay để cầm dao nữa! Mỗi ngón tay bị chặt lìa là một lần chị ngất lịm.

Tôi rùng mình khi hình dung ngón tay đứt lìa, vôi trộn bồ hóng bôi vào vết chặt còn đầy máu ấy. Bất giác tôi nhìn sang đôi bàn tay cụt ngón của chị, nó đã liền sẹo nhưng vẫn toát lên cái gì đó nhẫn nhịn mà kiên gan.

Hoạ vô đơn chí, sau khi đôi bàn tay cụt hết ngón, dân làng bắt đầu xì xào đồn thổi chị mắc bệnh phong. Rồi cũng chẳng dừng lại ở đồn thổi nữa, một ngày nọ, dân quân đến trói nghiến chị lại, bồng súng giải chị đi bệnh viện như giải một kẻ tội đồ.

Tại bệnh viện, vị bác sỹ già sau khi khám, đã khẳng định chị không mắc bệnh phong. Dẫu có mắc bệnh, chị cũng không nhập viện được vì chưa có hộ khẩu. Người đàn bà đó bị trả về với 10 viên thuốc Tetaxilin giá trị tương đương 10 buổi đi chợ. Nhưng trong mắt của nhiều người, chị vẫn là hủi, và cả hai mẹ con đã “lãnh đủ” sự kỳ thị, xa lánh.

Tú Anh đang học lớp 3 đã bị chúng bạn réo tên gọi: “Đồ con hủi”, thậm chí có kẻ còn doạ giết chết đứa bé ngây thơ này. Điều đó làm chị đau đớn hơn cả lúc cầm dao chặt vào ngón tay mình.

Vẫn túp lều cỏ trên bè chuối, nhưng đôi tay đã cụt ngón, lại phải “gánh” thêm cái tiếng hủi, trong một phút tuyệt vọng chị viết một bức thư tuyệt mệnh gửi mẹ dặn: “Con chết rồi, mẹ gửi Tú Anh vào trại mồ côi, đừng đưa nó về với bố nó”.

Chị đi ra bãi sông Thái Hạc tự tử. Lúc đang chấp chới trong dòng nước thì ông lão thuyền chài đã nhanh tay kéo chị lên. Sau khi nghe rõ sự tình, ông lão bảo: “Ta sẽ cho con 1000 đồng để con có chút vốn làm ăn. (1000 đồng lúc đó tương đương 1 tạ gạo). Đừng bao giờ nghĩ đến tìm đến cái chết nữa. Sống khó, chết dễ lắm, vô nghĩa lắm”.

Từ bến sông về nhà, chị phải nghỉ 8 lần, niềm tin vào cuộc đời, tình người tưởng như đã tắt ngấm trong chị, nay được ông lão thuyền chài thắp lên, bừng sáng.

Về nhà, chị đưa Tú Anh lên Nam Định học để tránh đi sự xa lánh của bạn bè. Chiều chiều cậu bé học xong lại đứng ở góc chợ đợi mẹ, đêm thật khuya hai mẹ con mới dám về túp lều, rón rén như người mang tội. Thế rồi, trong đêm khuya khoắt, đôi bàn tay cụt ngón của chị lại tiếp tục đập đá, nhồi đất đóng gạch. Như có phép lạ, trong vòng mấy năm với đôi tay tật nguyền ấy, chị đã đóng được 16 vạn gạch mộc!

Không đủ tiến mua than, chị bán gạch mộc cho người ta, chỉ để lại 4 vạn viên, thuê người nung, xây móng, xây tường nhà, còn mái nhà thì phải chờ đến lúc có tiền mới đổ. Ngôi nhà đang dang dở thì chị ốm một trận “thập tử nhất sinh”.

Những năm tháng dằng dặc bị đoạ đày, ăn đói, mặc rét, làm việc quá sức khiến chị bị liệt nửa người. Chỉ duy nhất đàn gà đáng giá, Tú Anh cắp hai con to nhất, năn nỉ người xích lô chở mẹ vào bệnh viện cấp cứu. Người ta nghĩ rằng chị sẽ chết, bàn cách khi chôn phải rắc thật nhiều vôi bột để trừ tận gốc bệnh phong.

Vùng vẫy trong vô thức, người đàn bà đó muốn thét thật to: Tôi còn sống, tôi muốn sống! Chẳng biết ông trời có thấu tỏ hay không mà sau 4 tháng vật vã với bệnh tật, chị đã dần khoẻ lại.

Đục một cái lỗ dưới nền nhà, chị rang lạc, rang ngô cho Tú Anh đi bán ở các rạp hát, bến thuyền. Hôm nào hàng ế, hai mẹ con ăn ngô, lạc trừ bữa. Tú Anh chỉ có duy nhất một bộ quần áo, ban đêm về túp lều phải ở truồng cho mẹ giặt, phơi khô để ngày mai mặc tiếp.

Chị cũng chẳng hơn gì, đêm cũng đành “vận” một bộ đồ rách như tổ đỉa. May thay, trong lúc bi đát đó, chị mua chịu được một đôi lợn. Đôi lợn được coi như “vật cứu tinh” của 2 mẹ con, nhưng đến lúc xuất chuồng, rao bán lại không ai thèm mua “lợn của hủi”.

Chị phải gọi người ở xa đến bắt vào ban đêm, chịu thiệt với giá bán rẻ bằng một nửa giá bình thường. Có tiền, lại mua đôi lợn khác, vừa vỗ thịt vừa chăm lợn nái đẻ. Cứ thế, đàn lợn ngày một sinh sôi.

Chị tát ao, lội xuống bùn ngang ngực, cấy lúa, còn trên bờ trồng rau muống. Lúa tốt bời bời, một số người trước đây coi khinh chị là “hủi” giờ lại đến vay thóc về ăn.

Nhưng niềm vui không gì so sánh được của người đàn bà ấy là đứa con trai duy nhất học rất giỏi và thi đậu vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sóng gió tưởng như đã qua bỗng dưng lại ập tới: Năm thứ 2 đại học, Tú Anh bị thiếu ôxy não, sinh độc tố trong máu. Chị lại đưa con trai đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chạy chữa.

Ròng rã 9 tháng trời, bao nhiêu tài sản vừa được gây dựng đã tan theo bước chân của 2 mẹ con từ Bắc vào Nam. Ngày Tú Anh khỏi bệnh, số nợ của chị lên tới 73 triệu đồng.

Nhưng kể từ khi được ông lái đò cứu mạng, chưa một lần người đàn bà ấy tuyệt vọng, trở về với “máng lợn”, chị lại nuôi lợn thả cá, làm vườn, một mình con tiếp tục ăn học và chăm sóc mẹ già.

Vào những năm 1992 - 1993, trong chuồng nhà chị có tới 75 con lợn, một ao cá và 4 sào ruộng. Vẫn đôi bàn tay cụt ngón ấy làm tất cả mọi việc: băm bèo, nấu cám, cuốc đất...

Có vốn, chị đi buôn vàng, bất động sản, kiến thức của một người từng tốt nghiệp ĐH Tài chính Kế toán khoá đầu giúp chị thành công trong nhiều thương vụ. Ông trời có vẻ như đã mủi lòng trước người đàn bà có sức sống kỳ lạ này, Tú Anh ra trường, đi làm, lấy vợ sinh con.

Hạnh phúc bên bờ ao nhà mình

Xã Hoàng Diệu thuần nông của thành phố Thái Bình bỗng mọc lên một ngôi biệt thự hiếm hoi. Tuy biệt thự đang xây nhưng người ta đã đặt câu hỏi: Của ai? Của một Việt kiều, một giám đốc, một đại gia nào chăng? Rồi người ta ngớ ra: biệt thự của Hằng “hủi”, người đàn bà từng gánh con ra chợ cầm nợ để đổi lấy ít rau dưa bán kiếm ít tiền sống qua ngày.

Biệt thự nằm bên bờ ao, gần túp lều rách nát dựng trên bè chuối ngày xưa. Chị cười rạng rỡ, nói với tôi: “Tôi định không làm ngôi nhà này đâu, nhưng cuối đời mình cũng có một nơi ở rộng rãi để đón bạn bè tới thăm. Ngôi nhà này có một ít tiền của tỉnh Thái Bình góp vào để xây nhà tình nghĩa cho mẹ tôi. Mẹ tôi năm nay tròn 100 tuổi. Tôi là con liệt sỹ, nhưng bao năm bị đoạ đày, có ai nhớ đến đâu”.

Chị Diễm, vợ của Tú Anh đang chơi với hai đứa trẻ đẹp như thiên thần ở ngoài sân. Một thời, hai vợ chồng làm ăn khó khăn, chính chị Hằng đã động viên con dâu đi học ĐH Sư phạm Thái Nguyên, để giờ đây Diễm đã là cô giáo. Còn Tú Anh trở thành Giám đốc một Cty TNHH làm ăn phát đạt.

Dù đã khá giả, nhưng chị vẫn tự tay băm bèo chăn lợn, không thuê người làm, khu ao rộng 1000 m2 được kè bờ xi măng, thả cá trê, baba. Rau trái đầy vườn, mùa nào thức ấy, không tấc đất nào bị bỏ hoang.

Chị nói với tôi rằng sau khi ngôi biệt thự hoàn thành chị sẽ đi làm từ thiện, sẽ cưu mang những đứa trẻ thơ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, phải bán lạc rang, nằm bao tải như Tú Anh ngày xưa. Chị sáng tác nhiều thơ, những bài thơ thấm đẫm tình người, tình đời và luôn kết thúc có hậu.

Ra về tôi nắm chặt bàn tay của người đàn bà ấy. Đôi tay cụt ngón đã tự mình viết nên một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp.

Phùng Nguyên
Theo Tiền Phong - 18/06/2005

Đọc để ngẫm nghĩ về số phận của một con người...

tung
08-03-2013, 10:33 AM
Sau mấy ngày vắng mặt, chị MaiVy trở lại với một câu chuyện rất hay, rất cảm động, sưu tầm từ Tiền Phong. Tôi thấy trong đó có một sức sống mãnh liệt của một con người quyết tâm vượt qua số phận. Thấy một tình mẫu tử rất thiêng liêng và vĩ đại. Thấy thuyết tương đối vẫn đúng khi trong xã hội còn những người chồng bạc bẽo, những lái lợn vô lương tâm ăn cả mồ hôi nước mắt của mẹ con người phụ nữ bất hạnh cùng cực, những người thích đơm đặt, hất hủi suýt đưa người khác tới chổ chết, thì vẫn còn những người như ông lão thuyền chài. Cuối cùng, tôi thấy Luật nhân quả tuy vô hình nhưng vẫn có hiệu lực : người hất hủi, đơm đặt rằng chị Hằng là cùi, hủi đã phải vay thóc của chị mà ăn và chị Hằng đã " hết thời bĩ cực tới hồi thới lai".

Câu chuyện này khiến nhiều người phải suy nghĩ.

taiviet_furniture
08-03-2013, 10:33 AM
Câu chuyện của chị Hằng đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống về số phận con người. Tôi cũng đã từng trải qua một lần chết đi sống lại trong khoảnh khắc, một tuổi thơ trong chiến tranh, trong nghèo khổ của gia đình, đã từng chứng kiến cảnh xe cứu thương ngày ngày mang biết bao nhiêu là lính thời đó, bị thương, cụt chân, cụt tay và xác chết với tiếng khóc chồng của bà hàng xóm vẫn còn văng vẵng bên tai tôi. Mang trong người một chứng bệnh mà thời đó bác sĩ đã chê, nhưng tôi vẫn có phước hơn chị nhiều, được những người có tấm lòng nhân ái cứu ra khỏi cái chết thay vào đó là một cuộc sống tha hương nơi xứ lạ quê người với hai bàn tay trắng, không một người thân.

Số phần của tôi chỉ là một giọt nước của cái ao nhà chị Hằng, vậy mà lắm lúc tôi lại than thân trách phận, sao cuộc sống lại oan nghiệt với mình đến thế. Giờ tôi mới thấy có người còn khổ hơn tôi gấp trăm gấp ngàn lần mà không hề oán trách ai. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi có những lúc như thế.